Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện EU: Việt Nam là điểm đến số 1 trong ASEAN

PV - 23:10, 09/09/2022

Chiều 9/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA), Nghị viện châu Âu (EP).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA), Nghị viện châu Âu (EP) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA), Nghị viện châu Âu (EP) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam theo đuổi đường lối chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, theo đó EU là đối tác quan trọng của Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ hài lòng với những bước phát triển tích cực trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU. Trong thời gian qua, Việt Nam và EU đã thiết lập đầy đủ các khuôn khổ hợp tác về chính trị, kinh tế - thương mại – đầu tư, lâm nghiệp, hợp tác quốc phòng – an ninh; duy trì thường xuyên các kênh trao đổi/đối thoại triển khai các khuôn khổ hợp tác.

Thủ tướng bày tỏ hài lòng với những bước phát triển tích cực trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng bày tỏ hài lòng với những bước phát triển tích cực trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khẳng định hợp tác thương mại – đầu tư là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam – EU, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá sau 2 năm đi vào thực thi, hiệp định EVFTA góp phần đưa thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng trưởng, đầu tư từ EU vào Việt Nam có xu hướng tăng.

Thủ tướng đề nghị EU tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, các nước thành viên EU sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) để thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai bên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng và tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo môi trường đầu tư bình đẳng, ổn định, sẵn sàng lắng nghe các ý kiến đóng góp để cải thiện các thủ tục hành chính, quy định pháp luật thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có EU. Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cam kết trong hiệp định EVFTA, bao gồm các cam kết về phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp; duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác/đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết, định hướng hợp tác hai bên trong thời gian tới; đề nghị EU tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo.

Chủ tịch INTA đánh giá Việt Nam có môi trường đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, là điểm đến số 1 trong ASEAN với nhà đầu tư châu Âu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch INTA đánh giá Việt Nam có môi trường đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, là điểm đến số 1 trong ASEAN với nhà đầu tư châu Âu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong hợp tác về môi trường, khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị EU tiếp tục tạo thuận lợi trong quá trình đàm phán tiến tới thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam và Nhóm G7; nhấn mạnh cần đảm bảo yếu tố công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi; mong muốn EU hỗ trợ Việt Nam xây dựng khả năng tự chủ về sản xuất thiết bị chuyển đổi năng lượng tái tạo, hỗ trợ tiếp cận nguồn tài chính xanh ưu đãi, tăng cường chuyển đổi công nghệ.

Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – EU.

Chủ tịch INTA Bernd Lange cám ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp và trao đổi về những biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – EU trong thời gian tới.

Trao đổi với Thủ tướng những nội dung làm việc với lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo một số bộ, ngành Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông, Chủ tịch INTA khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU tại khu vực và Nghị viện châu Âu (EP) luôn ủng hộ tăng cường hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh EU đang triển khai nhiều chính sách hướng về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. 

Trong thời gian qua, Việt Nam và EU đã thiết lập đầy đủ các khuôn khổ hợp tác về chính trị, kinh tế - thương mại – đầu tư, lâm nghiệp, hợp tác quốc phòng – an ninh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong thời gian qua, Việt Nam và EU đã thiết lập đầy đủ các khuôn khổ hợp tác về chính trị, kinh tế - thương mại – đầu tư, lâm nghiệp, hợp tác quốc phòng – an ninh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch INTA bày tỏ ấn tượng về những thành tựu kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế của Việt Nam; đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết trong Hiệp định EVFTA, qua đó góp phần triển khai hiệu quả hiệp định, tạo động lực thúc đẩy trao đổi thương mại, thu hút đầu tư cho cả hai bên trong thời gian tới.

Chủ tịch INTA đánh giá Việt Nam có môi trường đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, là điểm đến số 1 trong ASEAN với nhà đầu tư châu Âu, nhất trí sẽ nỗ lực phối hợp sớm thúc đẩy các nước thành viên của EU thông qua hiệp định EVIPA.

Chủ tịch INTA đánh giá cao triển vọng hợp tác với Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng. Hiện nay, EU đang triển khai nhiều chiến lược, sáng kiến trong lĩnh vực chuyển đổi xanh như Fit55, Cổng toàn cầu và tin tưởng rằng trong thời gian tới giữa Việt Nam và EU sẽ có nhiều dự án hợp tác thành công trong các lĩnh vực này.

Về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng giữa Việt Nam với Nhóm G7, Chủ tịch INTA cho biết EU đang tích cực phối hợp với Anh với tư cách là điều phối viên nhằm thúc đẩy việc thiết lập cơ chế này./.