Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Ban Dân nguyện

PV - 20:05, 28/03/2023

Chiều ngày 28/3 tại Nhà Quốc hội, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập (17/3/2003 - 17/3/2023) và Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Lễ kỷ niệm. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Quân ủy Trung ương gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Dân nguyện.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Dân nguyện.

Công tác dân nguyện đã thật sự là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng Ban Dân nguyện được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, đây là niềm vinh dự rất lớn đối với tập thể lãnh đạo, công chức của Ban Dân nguyện qua các thời kỳ. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời thăm hỏi ân cần tới các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức đã làm việc, cống hiến cho Quốc hội nói chung và Ban Dân nguyện nói riêng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác dân nguyện, điều này được thể hiện trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Quan điểm dân chủ “lấy dân làm gốc”, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân của Đảng và Nhà nước được Hiến pháp, pháp luật quy định rất cụ thể.

Từ thực tiễn hoạt động, trải qua 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức của Ban Dân nguyện đã luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, dân chủ, trí tuệ; tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ; không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất trực tiếp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; nắm bắt nguyện vọng, tâm tư, kiến nghị phản ánh của cử tri, Nhân dân chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng.

Công tác dân nguyện đã thật sự là cầu nối giữa cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước với cử tri và Nhân dân, được cử tri và Nhân dân cả nước ngày càng ghi nhận, tin tưởng.

Đặc biệt, từ Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15, công tác dân nguyện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo hằng tháng, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hành, làm tốt vai trò cơ quan dân cử; đồng thời tăng cường trách nhiệm đầu mối của Ban Dân nguyện trong công tác phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với những đổi mới trong công tác dân nguyện thời gian vừa qua, công tác dân nguyện đã trở thành chương trình nghị sự hằng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; được ghi nhận là một trong 10 sự kiện, hoạt động nổi bật của Quốc hội trong năm 2022.

Chỉ ra một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt hơn đối với công tác dân nguyện, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chia sẻ với lãnh đạo, cán bộ, công chức Ban Dân nguyện khi hiện đang phải đảm đương khối lượng công việc rất nhiều, nhiều việc khó, liên quan đến nhiều cơ quan, bộ ngành, địa phương.

Từ thực tiễn hoạt động, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, những người làm công tác dân nguyện trước hết phải nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thật sự tâm huyết, trách nhiệm cao, công tâm, khách quan, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có khả năng phân tích tổng hợp vấn đề, khả năng thuyết phục, động viên, hướng dẫn; kiên trì đeo bám đến tận cùng của vấn đề; thường xuyên lắng nghe, vận dụng tối đa các hình thức để tiếp nhận thông tin.

Bên cạnh đó, phải chủ động phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các Bộ, ngành cơ quan Trung ương và các địa phương.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị lãnh đạo, cán bộ, công chức của Ban Dân nguyện tiếp tục bám sát, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các nhiệm vụ được giao trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 594 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của của HĐND; Chỉ thị số 35 ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Nhấn mạnh lại chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với việc giám sát khiếu nại, tố cáo là không phải chờ Chính phủ, các cơ quan gửi báo cáo rồi xem xét mà phải đốc thúc, giám sát việc thực hiện các kiến nghị giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, Ban Dân nguyện phải giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ mối quan hệ với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ dân nguyện, hằng tháng báo cáo vụ việc nổi cộm để giám sát, truy trách nhiệm đến cùng, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, có như vậy, công tác dân nguyện mới thực sự tạo chuyển biến, củng cố niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với Quốc hội.

Cùng với đó, Ban Dân nguyện tiếp tục nâng cao chất lượng báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng; thực hiện tốt việc tiếp nhận, rà soát, sàng lọc, đơn, thư khiếu nại, tố cáo; tiến hành kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu; báo cáo, tham mưu việc giám sát những vụ việc nổi cộm, các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Nêu rõ Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Ban Dân nguyện hoạt động hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của cử tri và Nhân dân cả nước, góp phần tích cực vào việc đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, để Quốc hội luôn xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham quan Triển lãm công tác dân nguyện của Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham quan Triển lãm công tác dân nguyện của Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ.

Góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân với Đảng và Nhà nước

Trước đó, trong diễn văn Kỷ niệm, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Ban Dân nguyện đã được thành lập theo Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trải qua 20 năm hoạt động, công tác dân nguyện đã từng bước đi vào nề nếp, được đổi mới, tăng cường và đạt được những kết quả tích cực. Từ chỗ được giao thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ theo Nghị quyết số 370, đến nay Ban Dân nguyện đã được tăng cường thành 9 nhóm nhiệm vụ, trong đó tập trung vào các nhóm nhiệm vụ như: là cơ quan thường trực tiếp công dân của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; làm đầu mối tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; thực hiện việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của cử tri; tham mưu giúp Ủy ban thường vụ quốc hội giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo…

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh, thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề đã được nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp thu để hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, qua đó góp phần khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của Quốc hội, cùng các cơ quan của Quốc hội tạo được sự gần gũi, yêu mến và tin tưởng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Công tác dân nguyện đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân với Đảng và Nhà nước; là “đầu mối”, đồng thời là một “kênh” quan trọng để cử tri cả nước gửi gắm nguyện vọng đến Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp; là “cầu nối” để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân, thực hiện tốt phương châm Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng hoạt động dân nguyện vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế, bất cập về vị thế, thẩm quyền, phạm vi và điều kiện hoạt động. Trong đó, nguyên nhân sâu xa là xuất phát từ việc chưa có sự nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công tác dân nguyện của Quốc hội nói riêng, của hệ thống các cơ quan dân cử - cơ quan quyền lực của Nhân dân nói chung.

Điều đó đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội. Vì vậy, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh, trong thời gian tới cần nghiên cứu, hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác dân nguyện của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử nói riêng và các cơ quan trong hệ thống chính trị nói chung, để đảm bảo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân, phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của Nhân dân, xử lý tốt, hài hòa mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.