Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của Đảng đoàn Quốc hội: Hoàn thiện quy định về phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

PV - 14:37, 09/03/2023

Sáng 9/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của Đảng đoàn Quốc hội để cho ý kiến về dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; dự thảo Đề án nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của Quốc hội và ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội và Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Cùng dự phiên họp có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội: Các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ quan trọng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Đảng đoàn Quốc hội. Thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban soạn thảo giao Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trực tiếp chỉ đạo, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm cơ quan chủ trì soạn thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày tóm tắt Tờ trình Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, nêu rõ, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật được Đảng, Nhà nước ta xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong 3 đột phá chiến lược được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Trong những năm qua, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế của nước ta được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật không ngừng được hoàn thiện, cơ bản bảo đảm thống nhất khả thi, điều chỉnh hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, qua đó tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quy định của pháp luật về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật được hoàn thiện tương đối đồng bộ, đầy đủ từ khâu lập chương trình đến khi thông qua văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, cơ chế kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật như việc kiểm soát từ bên ngoài, kiểm soát giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật, kiểm soát của cấp trên với cấp dưới. Các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật nói riêng đã được Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản có liên quan quy định tương đối cụ thể, là cơ sở cho việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Tuy nhiên thực tế các quy định của Đảng trong lĩnh vực này còn chưa đầy đủ, thiếu cụ thể còn nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, quá trình thực hiện có lúc còn chưa nghiêm, ý thức trách nhiệm cả các cấp ủy Đảng, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên có chức năng tham mưu đề xuất trong công tác xây dựng pháp luật chưa cao, cá biệt còn có tư duy nhiệm kỳ, cài cắm lợi ích cục bộ, ngành, địa phương vào dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, cần thiết phải xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị trong vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ.

Mục đích của Quy định nhằm quán triệt, cụ thể hóa triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng về tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên nhất là người đứng đầu trong lĩnh vực này; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, qua thảo luận Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao Ban soạn thảo làm việc khoa học, nỗ lực, công phu, lấy ý kiến nhiều vòng, nhiều cơ quan; ghi nhận với cách thức làm việc chuyên nghiệp, tận tụy, chủ động từ sớm từ xa, phối hợp tích cực hiệu quả trong ngoài để có được nội dung dự thảo chất lượng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Đảng đoàn Quốc hội tại phiên họp. Bám sát tinh thần chỉ đạo, “đặt hàng” của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào vấn đề kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Từ đó, xác định phạm vi của Quy định, nội hàm của kiểm soát quyền lực, cơ chế kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật như thế nào, nhận diện các hành vi lạm quyền trong xây dựng pháp luật ra sao.

Lưu ý công tác xây dựng pháp luật có rất nhiều khâu, liên quan đến rất nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có cả cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của chính sách, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật không chỉ có câu chuyện Quốc hội giám sát Chính phủ mà nhiều cơ quan, chủ thể phải cùng giám sát lẫn nhau để bảo đảm phòng, chống được tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Quy định này cũng chỉ nên tập trung vào công tác xây dựng pháp luật, không bàn rộng ra khâu tổ chức thực hiện pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần chú trọng làm rõ nội hàm vấn đề quyền lực, kiểm soát quyền lực, cơ chế kiểm soát quyền lực; nhận diện hành vi lạm quyền, sai thẩm quyền hoặc không thực hiện kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực này dẫn đến sơ hở, tham nhũng chính sách pháp luật; làm rõ thế nào là tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật và nhận diện hành vi. Theo đó bám sát các khâu trong quy định lập pháp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những chủ thể tham gia. Từ đó xây dựng các quy định chú trọng cả về “phòng” và “chống”.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực tế hiện nay phát hiện sai phạm trong xây dựng pháp luật đang bị coi nhẹ và xử lý chưa nghiêm, thiếu trách nhiệm của các tổ chức Đảng ở Trung ương và địa phương. Do đó, cần tiếp tục tổng kết, rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; tăng cường chỉ đạo công tác giám sát việc tổ chức thực thi pháp luật, rà soát những lỗ hổng, những sơ hở trong hệ thống pháp luật để từ đó có định hướng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới.

* Cũng tại phiên họp, Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến về Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV. Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu theo đúng quy trình để thực hiện đúng Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội. Đề nghị tiếp thu ý kiến Đảng đoàn Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Đề án với tên gọi “Đề án về Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu qủa công tác truyền thông về tổ chức và hoạt động của Quốc hội”. Lưu ý, biên tập thiết kế lại bố cục Đề án, hoàn thiện dự thảo Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về nội dung này, trong đó xác định rõ mục tiêu, quan điểm của Đảng đoàn Quốc hội về công tác truyền thông và làm rõ các giải pháp cụ thể, tổ chức thực hiện.

Đảng đoàn Quốc hội cũng đã tổ chức Lễ Ký kết phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội với Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội./.