Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chống tham nhũng, tiêu cực cần tiến hành ngay trong hoạt động thanh tra

PV - 06:04, 27/05/2022

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, muốn xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, cần thiết phải đáp ứng được yêu cầu công khai, minh bạch trong thanh tra, bảo đảm các kết luận, kiến nghị thanh tra được đưa ra trên cơ sở đánh giá khách quan và không ai can thiệp được vào hoạt động này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Tổ 12 chiều 26/5. (Ảnh: Khoa Nguyên)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Tổ 12 chiều 26/5. (Ảnh: Khoa Nguyên)

Nâng cao năng lực, hiệu quả của ngành thanh tra

Phát biểu tại thảo luận tổ liên quan dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều 26/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ tán thành với các nguyên tắc, quan điểm đối với các sửa đổi nêu trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra nội dung của dự án Luật.

Nêu rõ thanh tra là một trong những công cụ để thực hiện chức năng kiểm soát quyền lực nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Thanh tra nhằm thực hiện tốt hơn chức năng trên, bên cạnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, mở rộng ra là quyền của các tổ chức, chủ thể thuộc đối tượng thanh tra, đồng thời khắc phục các hạn chế, bất cập đã được chỉ ra trong tổng kết, đánh giá dự án Luật này.

“Tất cả các quan điểm, nguyên tắc trong sửa đổi Luật Thanh tra đều nhằm mục tiêu góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của ngành thanh tra và hoạt động thanh tra, hay nói cách khác, phải xây dựng được 1 ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở đây không chỉ là tác động của thanh tra đối với xã hội, mà như chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phải phòng, chống được tham nhũng, tiêu cực ngay trong hoạt động thanh tra và cơ quan thanh tra.

“Do đó, phải đáp ứng được yêu cầu công khai, minh bạch, và bảo đảm các kết luận, kiến nghị thanh tra được đưa ra trên cơ sở đánh giá khách quan và không ai can thiệp được vào hoạt động này. Đó là mục tiêu chính”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên họp Tổ 12 chiều 26/5. (Ảnh: Khoa Nguyên)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên họp Tổ 12 chiều 26/5. (Ảnh: Khoa Nguyên)

Ngoài ra, trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và thanh tra viên, theo Chủ tịch Quốc hội, cần phân định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, của trưởng đoàn và từng thành viên trong đoàn thanh tra, bảo đảm từng chủ thể thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

“Luật phải làm sao phải cụ thể hóa được vấn đề này, tránh các can thiệp có thể gây ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của các quyết định thanh tra. Phòng ngừa được những sơ hở, tiêu cực chính là ở đây”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bảo đảm linh hoạt, giảm bớt phiền hà cho đối tượng thanh tra

Trước những “than phiền” về hiện tượng chồng chéo, trùng lặp trong thanh tra, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải rà soát thật kỹ để giảm bớt phiền hà cho đối tượng thanh tra.

Theo đó, trong các nguyên tắc, quan điểm sửa đổi Luật Thanh tra, Chủ tịch Quốc hội nêu kiến nghị nên chăng có thêm nguyên tắc bảo đảm tính linh hoạt trong thanh tra, thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng ngành, từng địa phương.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, cũng cần phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Thí dụ như phải có tiêu chí, nguyên tắc để quy định thanh tra của Tổng cục, Sở… hay những đơn vị nào phải được quy định “cứng”, tránh tình trạng có sự khác biệt quá lớn giữa các cơ quan thanh tra.

Cần thiết duy trì thanh tra cấp huyện

Bày tỏ tán thành với phạm vi sửa đổi của dự án Luật liên quan hệ thống thanh tra theo cấp hành chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đây, khi có đề án nghiên cứu sửa đổi Luật, đã có xu hướng tập trung cho các cơ quan thanh tra cấp trên và bỏ thanh tra cấp huyện.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đều nhất trí không những phải duy trì thanh tra 3 cấp, bao gồm thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện, mà còn phải tăng cường năng lực cho thanh tra huyện nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Quốc hội phân tích, cấp huyện chính là cấp gần dân nhất và cũng là cấp “nhiều việc” nhất, cho nên cần phải giữ cấp thanh tra này, bên cạnh tăng cường năng lực, tạo điều kiện cho cấp thanh tra này hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đại biểu Lã Thanh Tân phát biểu tại thảo luận tổ chiều 26/5. (Ảnh: Linh Nguyên)
Đại biểu Lã Thanh Tân phát biểu tại thảo luận tổ chiều 26/5. (Ảnh: Linh Nguyên)

Đây cũng là vấn đề nhận được đồng tình của nhiều ý kiến các đại biểu Quốc hội chia sẻ trong thảo luận tổ chiều nay. Theo đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng), việc duy trì hệ thống thanh tra cấp huyện là cần thiết, bảo đảm cho nguyên tắc “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”, đồng thời thực hiện được những yêu cầu quy định của pháp luật hiện hành ở địa phương như giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, qua đó bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền cấp huyện.

Đại biểu Lã Thanh Tân cũng cho rằng, trên thực tế, những bất cập trong tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện hiện nay không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Do đó, đại biểu kiến nghị tiếp tục duy trì tổ chức thanh tra cấp huyện, đồng thời có giải pháp hiệu quả khắc phục hạn chế đã được nêu.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng phát biểu trong phiên thảo luận tổ chiều 26/5. (Ảnh: Linh Khoa)
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng phát biểu trong phiên thảo luận tổ chiều 26/5. (Ảnh: Linh Khoa)

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) nhất trí với việc giữ nguyên các cấp thanh tra theo cấp hành chính như Luật hiện hành, trong đó giữ nguyên thanh tra huyện.

Theo đại biểu, thanh tra cấp huyện trong nhiều năm qua biên chế quá mỏng, gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên thanh tra huyện vẫn có vai trò rất quan trọng. Ngoài chức năng thanh tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính, thanh tra huyện còn có trách nhiệm tham mưu tích cực và thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Do đó, đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và nâng cao năng lực cho lực lượng này để thực hiện tốt nhiệm vụ ở địa phương. Ngoài ra, cũng cần bổ sung quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt./.