Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chủ động có phương án, kịch bản để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch COVID-19 trong năm học 2021-2022

P. Ngọc (T/h) - 11:38, 12/08/2021

Đó là nội dung được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học, được tổ chức ngày 12/8/2021.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với 1 điểm cầu tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), 63 điểm cầu tại 63 Sở GD&ĐT và hơn 700 điểm cầu đến các Phòng GD&ĐT cấp quận, huyện trên cả nước.

Các trường tiểu học hoàn thành chương trình theo kế hoạch

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Năm học 2020-2021 là năm đặc biệt với ngành Giáo dục nói chung và giáo dục Tiểu học nói riêng, khi lần đầu tiên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1.

Triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh khó khăn và khác biệt, ngành Giáo dục cả nước đã chung tay nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19, vừa triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 và Chương trình GDPT 2006 đối với các lớp 2, 3, 4, 5.

Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 cho thấy, thời gian qua các địa phương đã tích cực thực hiện sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh. Việc duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Về kết quả triển khai thực hiện chương trình, SGK GDPT 2018 đối với lớp 1, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong thực hiện Chương trình cấp tiểu học đối với lớp 1.

Đồng thời, khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường; bảo đảm tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường.

Tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 bảo đảm theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.

Nhiệm vụ của giáo dục tiểu học trong năm học mới

Kế thừa kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn, giáo dục tiểu học đã đặt ra 5 nhiệm vụ với nhiều giải pháp cụ thể cho năm học 2021-2022. Trong đó, tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2006 từ lớp 3 đến lớp 5.

Tại Hội nghị, ngành giáo dục xác định hai nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục tiểu học cho năm học mới:

Một là, chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Hai là, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học. Tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình...

Năm học 2020-2021 toàn quốc có 14.786 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học với 16.323 điểm trường, giữ ổn định so với năm học trước.

Tỷ lệ phòng học/lớp đạt trung bình cả nước là 0,98; trong đó phòng học kiên cố đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%; phòng học tạm, mượn chiếm 2%; số phòng học còn thiếu và đang học nhờ, mượn là 2.081 (0,75%) phòng.

Cả nước có tổng số 8.736.033 học sinh tiểu học, tăng 152.301 em so với năm học trước. Tổng số lớp là 280.274 (tăng 4.325 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 31,27.

Hiện nay, toàn quốc có 406.636 giáo viên cấp tiểu học, tăng 6.140 so với năm học trước. Tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp là 1,41, cơ bản bảo đảm thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.