Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chợ phiên vùng cao Bình Liêu - “Điểm hẹn” văn hóa của đồng bào các dân tộc

Mỹ Dung - 22:22, 08/07/2023

Nếu chợ phiên ở trung tâm huyện Bình Liêu là nơi tập trung của đồng bào DTTS trong toàn huyện thì chợ phiên Đồng Văn lại là nơi trải nghiệm trọn vẹn cuộc sống, nếp sinh hoạt của người Dao Thanh Phán nơi đây. Và cứ thế, bao đời nay, chợ phiên đã trở thành "điểm hẹn" văn hóa rộn ràng và ngập tràn màu sắc của đồng bào các dân tộc.

Nhiều mặt hàng được bày bán tại chợ phiên
Nhiều mặt hàng được bày bán tại chợ phiên

Ngập tràn sản vật địa phương!

Chợ phiên truyền thống ở trung tâm huyện Bình Liêu trước đây họp 6 phiên mỗi tháng (tính theo tháng Âm lịch), nhưng từ những năm 1970 đã chuyển sang ngày Chủ nhật để bà con tiện đi lại, mua bán.

Chợ được chia thành nhiều khu khác nhau (khu ăn uống, khu thổ cẩm, nông sản…) và cũng bày bán rất nhiều loại cây lá, thuốc lá tắm của đồng bào DTTS, có những loại đặc biệt và chỉ được bày bán vào ngày Chủ nhật của chợ phiên. Mỗi gian hàng tại đây giống như một “hiệu quảng cáo” nhỏ cho du lịch Bình Liêu. Nếu người Dao nổi bật với thuốc Nam, thì người Tày lại là các loại bánh truyền thống với mỗi loại một hương vị, một ý nghĩa riêng...

Đậm đà màu sắc dân tộc tại các chợ phiên
Đậm đà màu sắc dân tộc tại các chợ phiên

Đã gần 20 năm nay, bà La Thị Bình, huyện Húc Động luôn mang thổ cẩm đến chợ bán mỗi dịp chợ phiên. Bà chia sẻ: “Tôi tham gia nhiều phiên chợ lắm rồi chứ. Thấy càng ngày chợ phiên trung tâm huyện lại có thêm nhiều mặt hàng, không chỉ sản vật địa phương mà cả hàng hóa từ nơi khác về nữa”.

Khác với chợ trung tâm huyện họp thường xuyên, đông nhất vào ngày Chủ nhật, chợ phiên xã Đồng Văn dưới chân núi Cao Ba Lanh thường họp đông, vui nhất vào thứ Bảy hàng tuần. Trong phiên chợ, bà con có thể đặt trực tiếp sản phẩm của mình xuống đất hoặc trên một tấm bạt nhỏ. Đôi khi chỉ là vài chục trứng hay bó lá thuốc trong nhà đem đi bán.

Nhiều sản vật địa phương được bày bán tại chợ phiên Đồng Văn (Bình Liêu)
Nhiều sản vật địa phương được bày bán tại chợ phiên Đồng Văn (Bình Liêu)

Hấp dẫn nhất phải kể đến dãy hàng ăn cuối chợ, nơi những quán phở xào san sát nhau, mùi thơm ngào ngạt. Điều đặc biệt, để thưởng thức món phở xào này cũng là một kỳ công bởi quán chỉ bán bánh phở, thực khách phải tự ra chợ mua thịt lợn, rau đậu theo ý thích, mang tới cho chủ quán xào to lửa trên chiếc chảo cỡ lớn cùng xì dầu, gia vị.

“Món phở xào ở chợ Đồng Văn là ngon nhất. Quán thì chỉ có bánh phở, còn đồ ăn kèm thì mình thích gì mang đến. Lúc nào ăn thì mới xào. Nóng hổi, thơm ngút luôn”, anh Trần Văn Minh, một thực khách hào hứng chia sẻ khi nhắc về món phở xào.

Món phở xào bán trong chợ phiên Đồng Văn
Món phở xào bán trong chợ phiên Đồng Văn

Một điều đặc biệt ở chợ phiên Bình Liêu cũng như chợ phiên Đồng Văn, đó là những người bán hàng không chào mời hay rao bán, và càng đặc biệt hơn là họ cũng chẳng bán với giá cắt cổ để người mua phải mặc cả. Cái giá được đưa ra luôn vừa phải, giá thật - hàng thật, chính vì thế ở chợ phiên nơi đây gần như không có bất cứ cuộc ngã giá nào, ngay cả với khách du lịch.

Đặc sắc phiên chợ tình

Đặc biệt nhất là chợ phiên gắn với “Ngày kiêng gió” của dân tộc Dao Thanh Phán. Người Dao ở đây tin rằng ngày 4/4 âm lịch là ngày đại kị của năm, dù có làm bất cứ điều gì cũng không thuận lợi, nên họ gác lại mọi công việc, cả bản rủ nhau “mì sèng phẩy hêy dảo”, theo tiếng Dao có nghĩa là “đi chơi chợ mùng 4 tháng Tư”.

Anh Triệu Anh Tuấn, một người dân xã Đồng Văn cho biết thêm: “Ngày này không đi làm đâu, xuống chợ chơi thôi. Ngày này gặp người yêu cũ cùng ôn lại kỷ niệm đẹp. Không ngại đâu vì ai cũng thế mà”.

Tham gia phiên chợ, ngoài mua sắm thì người dân được xem hát Then của người Tày, hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, hát Pả dung của người Dao và tâm sự, chuyện trò rôm rả, tham gia các cuộc thi kéo co, đẩy gậy…

Bà con mua sắm, trò chuyện rôm rả trong chợ phiên Đồng Văn
Bà con mua sắm, trò chuyện rôm rả trong chợ phiên Đồng Văn

Bà Bàn Thị Mận không ngại khi nhắc về phiên chợ tình của xã mình mỗi năm: “Chợ phiên thế này không phải ở đâu cũng có. Đến đây không chỉ mua sắm được nhiều thứ đồ, nhưng quan trọng là ngày này thấy ấm áp, vui tươi và nghĩa tình lắm chứ”.

Và cứ thế, chợ phiên không chỉ là nơi mua bán, trao đổi các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương do đồng bào các dân tộc tự tay làm ra mà nó còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Nơi ấy luôn là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu văn hóa vùng cao.