Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chờ bước chuyển mình của V-League

PV - 08:30, 20/06/2022

Nếu mọi thứ đi đúng lộ trình, bắt đầu từ năm 2023, V-League sẽ thi đấu theo thể thức mới, vắt từ mùa Thu năm này sang mùa Hè năm sau, giống các nước châu Âu.

V-League phải được “đánh thức” để nâng tầm phát triển. Ảnh: Hoàng Linh
V-League phải được “đánh thức” để nâng tầm phát triển. Ảnh: Hoàng Linh

Tại Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lần thứ 10 khóa VIII, VFF đã hé mở kế hoạch dự kiến tổ chức V-League vắt qua 2 năm như thông lệ quốc tế. Đây có thể là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ về công tác tổ chức V-League. Đồng thời bóng đá Việt Nam cởi bỏ những thông lệ xưa cũ sau 22 năm, ngày lên chuyên.

Những “nếp hằn” xưa cũ

Theo đó, VFF vừa công khai lộ trình thay đổi thời gian của các mùa giải chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam đúng với khuyến cáo của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) để phù hợp với những giải đấu quốc tế. Dự kiến các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mùa giải 2023 diễn ra từ tháng 1/2023 đến hết tháng 8/2023 và mùa giải 2023-2024 bắt đầu từ tháng 11/2023 và kết thúc vào tháng 6/2024.

Từ trước đến nay, các mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thường gói gọn trong 1 năm Dương lịch. Thường sẽ bắt đầu từ tháng 2 hoặc tháng 3 rồi kéo dài đến tận tháng 9, tháng 10. Thể thức thi đấu như thế đã diễn ra trong nhiều năm, để lại nhiều phiền toái cho các CLB. Thậm chí, có những ví von rằng bóng đá Việt Nam “một mình một đường” không giống ai.

Vậy nên, nếu đúng như những gì VFF sẽ chuyển đổi thời gian thi đấu các giải chuyên nghiệp Việt Nam thì các cấp độ đội tuyển Việt Nam sẽ không tập trung dài ngày. Cùng với đó, các CLB không phải “ngồi chơi xơi nước” suốt thời gian dài. Hơn 100 ngày các giải đấu trong nước “nhường sân” cho ĐTQG và U23 Việt Nam vừa rồi như một minh chứng sống động cho những phiền toái nói trên.

Rõ ràng, đã đến lúc cần những cải tổ triệt để như thế để nâng tầm V-League chứ không chỉ việc chuộng thành tích hay “vừa chạy vừa xếp hàng” như lâu nay. Bao năm nay, các ĐTQG luôn tập trung thời gian quá dài, trái với đội tuyển các nước khác chỉ tập trung trước lúc "tham chiến" chu kỳ rất ngắn.

Một ĐTQG mạnh bắt đầu từ nền tảng của một giải VĐQG chuyên nghiệp và chất lượng. Từ đó, phải coi trọng, xây dựng căn cơ, bài bản hệ thống giải thi đấu chuyên nghiệp. Tiếng nói của CLB phải có trọng lượng, rõ ràng về quyền lợi của mình cũng như trong trách nhiệm đóng góp cho các ĐTQG.

Đừng để cứ có “lệnh” V-League, hạng Nhất phải nghỉ bao lâu, cầu thủ phải tập trung lên tuyển lúc nào, các CLB răm rắp tuân theo. Đa số các CLB đều không thích mùa giải kéo dài lê thê, hoãn liên tục. Việc quản lý cầu thủ đương nhiên sẽ rất mệt mỏi. Duy trì phong độ cho quân mình càng vất vả. Hãy nhìn 4 vòng đấu vừa qua ở V-League 2022, số bàn thắng rất ít, các tuyển thủ quốc gia vẫn mờ nhạt, đủ hiểu rất cần duy trì mạch cảm giác thi đấu ở V-League.

Nói tóm lại, khi V-League thay đổi về thể thức đồng nghĩa với việc tránh được tình trạng xung đột quyền lợi giữa các bên.

Đã đến lúc đổi thay

Không nói đâu xa, cứ nhìn quanh các nước trong khu vực Đông Nam Á đã thấy được những thay đổi như thế. Bóng đá Thái Lan và Malaysia gần đây đã bắt kịp xu hướng của thế giới khi sớm chuyển đổi lịch thi đấu trong nước cho phù hợp với tình hình chung. Họ vẫn chơi các giải đấu quốc nội bình thường và không hội quân kéo dài, vừa không gây lãng phí cho CLB, lại vừa duy trì ổn định phong độ cho tuyển thủ.

Với bóng đá Việt Nam, sau hơn 2 thập niên lên chuyên nghiệp, mọi thứ giờ đây cũng đã rất khác. V-League dần trở thành điểm đến của rất nhiều ngoại binh. Ở chiều ngược lại, bóng đá nước nhà bắt đầu có cầu thủ xuất ngoại. Trong khi đó, ĐTQG, U23 ngày càng tiệm cận trình độ châu lục để thi thố ở những giải đấu thuộc hệ thống FIFA chứ không chỉ mỗi AFF Cup hay SEA Games như ngày trước.

Vậy nên, dựa trên tinh thần cùng định hướng mới của AFC, VFF cùng VPF phải nhanh chóng đưa ra lộ trình cho những đổi thay. Việc điều chỉnh thời gian tổ chức mùa giải tiếp theo sẽ giúp tối ưu hóa lịch thi đấu các giải. Cùng với đó đồng bộ thị trường chuyển nhượng cầu thủ đối với các giải quốc tế. Tất cả sẽ giúp phân bổ đều đặn các trận đấu của CLB hàng năm để duy trì cân bằng với các trận đấu của ĐTQG.

Dĩ nhiên, sự thay đổi của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn đầu chắc chắn sẽ gặp một số bất cập và thách thức. Chính vì thế VFF. VPF cùng CLB phải tính toán nghiêm cẩn nhất cho lộ trình cải tổ này. Mọi thứ phải linh hoạt, hài hòa trên tất cả các phương diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho đến lợi ích của ĐTQG và các CLB.

Tóm lại, cần phải mạnh mẽ cải tổ V-League một cách hợp lý, toàn diện, chuyên nghiệp hơn để đúng với tiêu chí của một giải đấu chuyên nghiệp. Nâng cao chất lượng chuyên môn, sân bãi, trọng tài một cách đồng bộ, toàn diện, tạo ra môi trường chuyên nghiệp thực sự.

Rõ ràng, V-League quá nhiều tiềm năng để phát triển cả chất lẫn lượng, mang lại lợi nhuận lớn. Tiếc rằng chúng ta chưa khai thác, nâng tầm được dù đã bước sang tuổi 22. Đã đến lúc, V-League phải được “đánh thức” để trở thành giải đấu thật sự chuyên nghiệp, làm nền tảng, tạo ra động lực phát triển cho bóng đá Việt Nam./.