Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chính sách dân tộc đồng hành cùng xây dựng nông thôn mới

PV - 10:02, 05/09/2018

Thời gian qua, Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An đạt được nhiều kết quả quan trọng. Diện mạo bản làng, cuộc sống của người dân có nhiều khởi sắc. Để có được thành quả này không thể không kể đến sự đồng hành của chính sách dân tộc.

Xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ là một trong những địa phương khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135. Từ nguồn vốn này, địa phương đã lồng ghép với các nguồn đầu tư khác để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi…

Ông Trương Văn Thạch, Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết: Tiên Kỳ là xã miền núi, cách trung tâm huyện hơn 20km. Dân số có gần 6.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm 70%. Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135 hơn 1 tỷ đồng, hàng năm chính quyền đã hỗ trợ trực tiếp như con giống, cây trồng; hướng dẫn kỹ thuật để người dân phát triển sản xuất. Cũng từ nguồn vốn này, địa phương đã lồng ghép cùng với các nguồn khác như nguồn từ Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, nguồn thu từ xã hội hóa, nên đến nay xã đã xây dựng được gần 13km đường bê tông liên bản, hệ thống điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư xây mới, nâng cấp đạt chuẩn… Đến nay, địa phương đã đạt được 11/13 tiêu chí trong xây dựng NTM.

 Cây cà gai leo đã góp phần giúp người dân huyện Con Cuông thoát nghèo. Cây cà gai leo đã góp phần giúp người dân huyện Con Cuông thoát nghèo.

Cũng như xã Tiên Kỳ, chính sách dân tộc cũng đã góp phần quan trọng trong Chương trình xây dựng NTM ở xã biên giới Tam Quang huyện Tương Dương. Trong hợp phần hỗ trợ sản xuất, địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả.

Ông Tống Văn Chiến ở bản Bãi Sở, xã Tam Quang cho biết: Gia đình ông trước là hộ nghèo. Từ năm 2015, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ cặp bò sinh sản và tạo điều kiện cho vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất. Đến nay, thu nhập từ chăn nuôi và cây ăn quả của gia đình ông Chiến mỗi năm được hơn 150 triệu đồng.

Điều ghi nhận ở Tam Quang là chính quyền đã phát huy tốt nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình chính sách dân tộc. Chủ động lồng ghép các nguồn hỗ trợ để đầu tư xây dựng các công trình, mô hình sản xuất có trọng tâm trọng điểm nên đã mang lại kết quả tích cực. Đã có nhiều hộ thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá góp phần đưa địa phương hoàn thành tiêu chí thu nhập và hộ nghèo.

Ông Hồ Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: Tam Quang là một trong 3 xã về đích xây dựng NTM ở huyện Tương Dương, trong các dự án đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, Chương trình 135 đóng vai trò quan trọng. Chương trình đã trao cho người dân “cần câu” để họ chủ động tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, từ Chương trình này người dân cũng được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, được đào tạo tập huấn. Từ đó, nâng cao được giá trị sản xuất góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Đến nay, số hộ nghèo của Tam Quang chỉ còn 4,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm. Địa phương cũng đã linh hoạt vận dụng lồng ghép từ nguồn hỗ trợ chính sách dân tộc để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông. Hiện nay, xã đã có gần 11km hệ thống đường liên thôn, bản cùng với 19km đường trục chính liên bản đã được bê tông hóa, thuận lợi cho bà con đi lại giao thương phát triển kinh tế- xã hội.

MINH THỨ