Analytic
Thứ Bảy, ngày 04 tháng 01 năm 2025, 06:42:49
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chính phủ sẽ ban hành ngay nhiều nghị quyết để gỡ vướng, thúc đẩy các dự án trọng điểm tại TP.HCM

PV - 15:04, 27/07/2022

Cho ý kiến cụ thể với hàng loạt đề xuất, kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho biết những ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành ngay nhiều nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại Thành phố. Chính phủ và Thường trực Chính phủ có kế hoạch làm việc thường xuyên với Thành phố, lập một tổ công tác trực tiếp trao đổi với Chủ tịch UBND Thành phố để rà soát, thúc đẩy, giải quyết các công việc, các khó khăn, vướng mắc, tồn đọng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng ngày 27/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, 7 tháng đầu năm và một số dự án đầu tư công trọng điểm của Thành phố.

Tham dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Thành phố.

Xử lý công việc với tiến độ cụ thể, "đếm ngược thời gian" hoàn thành

Trước cuộc làm việc, Thủ tướng đã khảo sát thực địa 2 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn là dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên và dự án xây dựng nút giao thông An Phú, thành phố Thủ Đức. Trước đó, ngày 9/7 vừa qua, Thủ tướng cũng đã khảo sát thực địa sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo Thủ tướng, chuyến khảo sát và làm việc nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố trong thời gian qua; nắm bắt, tìm hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển của Thành phố, trong đó có các dự án trọng điểm như đường vành đai 3, các tuyến metro số 1, số 2…, trên tinh thần chỉ rõ "Chính phủ phải làm gì, các bộ, ngành phải làm gì, Thành phố phải làm gì", triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

Thủ tướng nhấn mạnh, thể chế, cơ chế, chính sách tuy vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất, trong đó công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát có nơi, có lúc còn chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí bị bỏ qua nên hiệu quả chưa cao.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Thành phố và các bộ, ngành xác định lộ trình, công việc theo từng quý, từng năm với tiến độ cụ thể, "đếm ngược thời gian" hoàn thành. Chính phủ và Thường trực Chính phủ có kế hoạch làm việc thường xuyên với Thành phố để rà soát, thúc đẩy, giải quyết các công việc. Thủ tướng cho rằng, Thành phố là địa phương đóng vai trò động lực, đầu tàu của cả nước, đầu tư cho Thành phố 1 đồng thì có thể mang lại hiệu quả bằng đầu tư cho nơi khác 3-4 đồng.

Thủ tướng yêu cầu Thành phố tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan, lơ là - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu Thành phố tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan, lơ là - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phục hồi nhanh, khá đồng bộ và tương đối toàn diện

Báo cáo tại cuộc làm việc do Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trình bày và các ý kiến tại cuộc họp đánh giá, thời gian qua, kinh tế Thành phố phục hồi nhanh, khá đồng bộ và tương đối toàn diện.

Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 3,82%, từ mức giảm sâu ở quý III và quý IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến quý I và quý II năm 2022 tăng lần lượt lên 1,88% và 5,73%; trong đó, tốc độ tăng trưởng quý II tăng hơn 3 lần so với quý I.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2,18 tỷ USD, tăng 60,07% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt 282 nghìn tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán năm và tăng 20% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 7,7% so với cùng kỳ; trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 12,2%. Ngành du lịch 7 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 40,3%; dịch vụ lữ hành tăng 72,4%.

Các hoạt động văn hóa - xã hội sôi động trở lại; các hoạt động kỷ niệm, lễ hội, sự kiện được tổ chức tiết kiệm; an sinh xã hội được đảm bảo; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt.

Các đại biểu tập trung thảo luận về một số nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố từ nay đến cuối năm như triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy các dự án có nhiều vướng mắc, chậm tiến độ như các dự án tại sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên…; tiếp tục triển khai tốt công tác kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 và ứng phó các loại dịch bệnh khác; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác quy hoạch.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhắc lại những ngày này năm ngoái, tình hình dịch bệnh tại Thành phố còn rất căng thẳng; khẳng định quyết định thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn Thành phố vào năm ngoái là quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong thời điểm đó.

Bí thư Thành ủy cũng cho rằng hiện nay, sự phát triển của Thành phố đang gặp nhiều điểm nghẽn, vấn đề bức xúc như tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất, việc triển khai dự án vành đai 3…, tình thế đã đến lúc buộc chúng ta phải hành động để tháo gỡ.

Thủ tướng đã khảo sát thực địa 2 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đã khảo sát thực địa 2 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thành phố đã nỗ lực, quyết tâm vượt lên chính mình

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết bày tỏ lòng tri ân, biết ơn sâu sắc nhất, gửi lời thăm hỏi ân cần đến các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Anh hùng, các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn Thành phố nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ.

Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, vất vả, mất mát, hy sinh của Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dân Thành phố qua hơn 2 năm phòng, chống dịch vừa qua, là một trong những địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất do dịch bệnh trên cả nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè và đối tác quốc tế, chúng ta đã vượt qua được khó khăn, kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, rút ra được nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá, trong đó hai yếu tố quyết định để phòng, chống dịch hiệu quả là vaccine và ý thức người dân.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố trong thời gian qua; những thành tích rất đáng trân trọng của Thành phố trong kiểm soát dịch bệnh, mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, góp phần vào thành tựu, kết quả chung của đất nước trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chống suy thoái, bảo đảm các cân đối lớn.

Để đạt được kết quả này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã thực hiện nghiêm túc và vận dụng có sáng tạo các chủ trương, chính sách, giải pháp của Trung ương; nỗ lực, quyết tâm vượt lên chính mình để thực hiện nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với các bộ, ngành và các địa phương khác.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ một số nhiệm vụ mà Thành phố cần cố gắng hơn như triển khai chương trình phục hồi và phát triển, giải ngân đầu tư công, tiêm vaccine phòng COVID-19, công tác quy hoạch, việc phát triển văn hóa gắn với du lịch, một số vấn đề vướng mắc liên quan tới các dự án sau thanh tra, xử lý. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là không hợp thức hóa cái sai nhưng phải tìm cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, bên cạnh những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm đã nêu tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Thành phố vào tháng 5/2021, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung.

Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới thời gian tới sẽ tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường, tác động tới Việt Nam như xung đột tại Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, việc điều chỉnh chính sách của các nước, lạm phát, giá cả xăng dầu và nguyên vật liệu đầu vào tăng cao trên thế giới, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp… Do đó, phải xác định khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi.

Về nhiệm vụ chung, Thành phố cần tiếp tục tập trung triển khai 3 khâu đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế và nhân lực, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết 01, 02 năm 2022 và các nghị quyết khác của Chính phủ, thực hiện nghiêm quy chế làm việc của Chính phủ vừa được ban hành.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Thành phố tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan, lơ là; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và dịch đậu mùa khỉ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt chú ý tới diễn biến phức tạp của dịch bệnh với các biến thể mới (BA.4, BA.5); tập trung đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho các đối tượng theo quy định, nhất là các lực lượng tuyến đầu, công nhân, người già, có bệnh nền… Quyết liệt triển khai các giải pháp mua sắm, đấu thầu để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, bảo đảm nhân lực y tế phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Rà soát các quy định của pháp luật liên quan tới triển khai các chương trình, dự án để cùng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết, xử lý các vấn đề vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách. Cùng cả nước thực hiện mục tiêu ưu tiên hiện nay là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng và chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, chống suy thoái.

Tập trung triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, giải ngân đầu tư công.

Thúc đẩy đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân, trong đó có vấn đề nhà ở công nhân. Quan tâm phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch. Làm tốt công tác quản lý thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, hiện nay, sự phát triển của Thành phố đang gặp nhiều điểm nghẽn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, hiện nay, sự phát triển của Thành phố đang gặp nhiều điểm nghẽn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính phủ sẽ ban hành ngay các nghị quyết để tháo gỡ

Cũng tại cuộc làm việc, UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, đề xuất một số nội dung liên quan tới tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất theo quy định, công tác quản lý nhà, đất, quỹ đất thanh toán cho các hợp đồng BT; bố trí vốn cho 3 dự án bệnh viện cửa ngõ; triển khai dự án đường vành đai 3, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương; tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung; quy định về Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Cơ bản tán thành và cho ý kiến trực tiếp, cụ thể đối với từng kiến nghị của Thành phố, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan và Thành phố tiếp tục phối hợp, phân tích để xử lý các vấn đề đặt ra. Những nội dung hiện đã có quy định và còn phù hợp với tình hình thực tế, Thành phố tiếp tục thực hiện; đối với những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, phối hợp với các bộ, ngành xử lý, những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, xử lý vấn đề của Thành phố trong quá trình xử lý các vấn đề chung mà nhiều địa phương đang gặp phải.

Trong đó, liên quan tới đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho biết trong những ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành ngay 2 nghị quyết để triển khai dự án; đồng thời giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, nghiên cứu các thủ tục để triển khai dự án đường vành đai 4 trên tinh thần phân cấp, qua địa phương nào thì tỉnh đó phải làm. Cũng trong tuần này, Chính phủ ban hành ngay Nghị quyết về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối.

Thành phố cũng kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện, hoàn thành thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên vào cuối quý IV năm 2023; hoàn thành đưa vào khai thác năm 2030 và 2 năm cho công tác bảo hành đối với tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương; đồng thời bố trí đủ vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương còn lại giai đoạn 2021-2025 cho tuyến số 1.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét đề nghị về việc tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện 2 dự án theo quy định; phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xác định phần vốn còn lại được phép bổ sung vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ dự toán hàng năm cho dự án tuyến số 1. Thủ tướng cũng giao các cơ quan nghiên cứu ngay việc triển khai dự án tuyến metro số 2 với đối tác Nhật Bản, có thể với các đơn vị đang thực hiện tuyến metro số 1 để công việc được triển khai nhanh nhất.

Về bố trí vốn cho 3 dự án bệnh viện cửa ngõ, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế xem xét kiến nghị của UBND Thành phố về việc bố trí nguồn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, có thể điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ khác.

Thủ tướng cho biết sẽ lập một tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm tổ trưởng với sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối trao đổi để giải quyết, xử lý các vấn đề của Thành phố một cách kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng "thủ tục, văn bản lên xuống, lòng vòng" mà không giải quyết được công việc. Mô hình này trước hết sẽ được thí điểm với Thành phố, nếu hiệu quả sẽ mở rộng áp dụng./.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.