Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4: Nhiều nhiệm vụ quan trọng cần triển khai thời gian tới

PV - 09:04, 29/04/2022

Theo báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, hầu hết các lĩnh vực tiếp tục khởi sắc, nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch. Trong tháng 5 và thời gian tới, có nhiều nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi chúng ta phải tập trung chuẩn bị tốt, triển khai quyết liệt, hiệu quả; đồng thời không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng ngày 29/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022. Cùng dự phiên họp có đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư.

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác.

Nhiều nhiệm vụ quan trọng cần triển khai thời gian tới

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã đi qua được 1/3 quãng đường của năm 2022. Bước sang quý II, xung đột ở Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Giá cả nguyên liệu đầu vào, xăng dầu, giá vận tải thế giới tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chuỗi cung ứng lao động, giao thông vận tải xảy ra đứt gãy ở một số nước. Một số thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam có tăng trưởng GDP sụt giảm. Một số vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp.

Trong nước, tuy dịch bệnh được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhưng nguy cơ do có thể xuất hiện những biến chủng mới trên thế giới. Các cấp, các ngành quyết liệt triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền Bắc Bộ, vùng ĐBSCL, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.

Trong tháng 4, chúng ta cũng tập trung giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng liên quan tới các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục rà soát thúc đẩy tháo gỡ khó khăn các dự án yếu kém. Cùng với đó là một số vấn đề mới xuất hiện như trong chuyến công tác vừa qua tại Sóc Trăng, Thủ tướng và đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại dự án nhiệt điện Long Phú 1 đang chậm tiến độ, cần tiếp tục nghiên cứu, xử lý thời gian tới.

Trong tuần qua, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị về thị trường vốn trên tinh thần làm lành mạnh hóa thị trường, không để sai phạm của một thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính, không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế nhưng kiên quyết xử lý những vi phạm để bảo vệ những người làm ăn chân chính, công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, thực hiện mọi biện pháp cần thiết với bước đi, lộ trình phù hợp để thị trường phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Các bước đi, giải pháp đã nhận được sự ủng hộ của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đang bước đầu có hiệu quả.

Thủ tướng nêu rõ, qua các báo cáo, tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh-quốc phòng, đối ngoại, hội nhập.

Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao cả về tinh thần và tinh thần, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường. Vị thế và uy tín đất nước ta trên thị trường quốc tế được nâng lên.

Thủ tướng đề nghị, bên cạnh đánh giá về những kết quả đạt được, các đại biểu cần phân tích kỹ thêm về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Tình hình thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố trong nước và quốc tế. Nhắc lại đợt bùng phát dịch lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4/2021 trong dịp nghỉ lễ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành không được lơ là, chủ quan dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, trong bối cảnh Việt Nam có độ bao phủ vaccine lớn nhưng độ mở cửa cũng rất lớn.

Cùng với đó, phải chuẩn bị tốt cho nhiều sự kiện quan trọng trong tháng 5 như Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII và khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, SEA Games 31…

Công việc nhiều, thời gian ít, nguồn lực có hạn, đòi hỏi cao, Thủ tướng đề nghị các biểu đóng góp thêm về các nhiệm vụ, giải pháp sát tình hình thực tế để thực hiện có hiệu quả.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp nối đà phát triển của quý I, tình hình tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, các cân đối lớn được bảo đảm và có dư (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, điện và lao động đủ); nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng thấp nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2017-2022); các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3%.

Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 7,5%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3% (cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, những năm chưa có dịch COVID-19). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 3,9% so cùng kỳ.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng. Chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm đang hồi phục. Sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt 736.400 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 4 khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,1% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu 4 tháng tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%, xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD. Du lịch phục hồi mạnh mẽ; khách quốc tế tháng 4 gấp 5,2 lần cùng kỳ; 4 tháng tăng 184,7%.

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 4 tăng 6,6% so cùng kỳ; 4 tháng đạt 109,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch, tăng 9,1% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 4 tháng đạt 5,92 tỷ USD (mức cao nhất từ năm 2018 đến nay), tăng 7,6%.

Hoạt động khởi sự doanh nghiệp nở rộ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao nhất từ trước tới nay với hơn 15 nghìn doanh nghiệp; trong 4 tháng số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%, doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 60,6%; tổng số vốn đăng ký bổ sung tăng 39,4% so cùng kỳ.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số được đẩy mạnh; phát triển các mô hình, hoạt động kinh doanh mới, thương mại điện tử…

Công tác an sinh xã hội, các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo được triển khai tích cực, chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm, trong đó có các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19. Các chính sách hỗ trợ người dân thiếu đói giáp hạt tiếp tục được thực hiện. Các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật từng bước được phục hồi trở lại. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh./.