Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chia sẻ nguồn lực, kết nối thông tin: Yếu tố quan trọng để khởi nghiệp thành công

PV - 09:50, 31/05/2019

Để khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngoài vấn đề vốn thì những người khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong kỹ năng quản trị điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm, tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách... Những rào cản này sẽ được tháo gỡ khi có một chính sách hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh, với mục tiêu chia sẻ nguồn lực, kết nối thông tin.

Thành công nhờ kết nối

Sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, anh Đào Duy Trường, sinh năm 1989, quê ở xã Chương Dương (Thường Tín, Hà Nội) đã quyết định dồn hết vốn liếng và vay mượn thêm để lên quê vợ ở xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng mở trang trại khởi nghiệp. Trường lựa chọn mô hình trồng dâu tây và hoa hồng gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Sau 01 năm khởi nghiệp, vợ chồng anh đã sở hữu 7.000m2 trồng dâu tây (giống dâu Hàn Quốc, Nhật Bản) theo công nghệ hệ thống đường hầm Micro Tunnel (mô hình nhà kính nilon-Pv) và 5.000m2 trồng các loại hoa hồng. Phần lớn các diện tích sản xuất đều được áp dụng công nghệ sản xuất mới như phủ luống, tưới nhỏ giọt...

Xây dựng chính sách hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm miền núi là cần thiết. (Ảnh minh họa) Xây dựng chính sách hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm miền núi là cần thiết. (Ảnh minh họa)

Dâu tây của vợ chồng anh đã cho thu hoạch, cung ứng cho thị trường với giá 250 nghìn đồng/kg dâu Hàn Quốc, 350 nghìn đồng/kg dâu Nhật Bản. Cùng với đó, vợ chồng anh Trường còn mở dịch vụ du lịch nhà vườn.

“Hiện, trang trại của gia đình anh thu hút hàng nghìn lượt khách tới thăm quan, chụp ảnh, hái dâu tây, mua hoa hồng. Đặc biệt có ngày chúng tôi đón trên 500 lượt khách, thu về khoảng 25 triệu đồng”, anh Trường cho biết.

Theo anh Trường, để có được thành công này thì bí quyết của vợ chồng anh là không ngừng học hỏi. Vốn dĩ, vợ chồng anh không có kinh nghiệm trồng dâu tây nên khi bắt tay vào khởi nghiệp từ mô hình này, vợ chồng anh phải tự mày mò tìm đọc sách nông nghiệp, tài liệu trên mạng Internet. Đồng thời, cả hai cũng kết bạn với người nước ngoài qua mạng xã hội để giao lưu, trò chuyện tìm hiểu về công nghệ nông nghiệp của họ.

Việc kết nối thông tin cũng giúp vợ chồng anh giảm chi phí đầu tư. Như một hệ thống tưới của Hàn Quốc giá hơn 200 triệu đồng chưa có thuế, chưa kể tiền vận chuyển. Qua sách báo, Internet và sự giúp đỡ của những người đi trước, vợ chồng anh nghiên cứu, mua thiết bị về tự làm nhằm giảm chi phí.

“Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chúng tôi cũng gặp rất nhiều vấn đề, kiến thức cần bổ sung. Như cách tư vấn cho khách hàng, phương thức giao dịch; cách đóng gói hàng… Tất cả đều phải học. Và kiến thức có được là nhờ kết nối thông tin”, anh Trường cho biết.

Mô hình khởi nghiệp của anh Đào Duy Trường đang trở thành điểm đến để thăm quan, học tập kinh nghiệm. Trong chuyến thăm làm việc tại tỉnh Cao Bằng ngày 15/3/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã đến thăm quan trang trại và đánh giá rất cao hướng đi, cách làm sáng tạo của chủ trang trại trong việc phát triển mô hình mới tại vùng núi khó khăn như Cao Bằng.

Kết nối để chia sẻ nguồn lực

Trường hợp trang trại dâu tây và hoa hồng của anh Đào Duy Trường cho thấy, trong khởi nghiệp kinh doanh, yếu tố vốn, dù là quan trọng nhưng không phải là quyết định tất cả. Với việc kết nối thông tin thì những người khởi nghiệp ở địa bàn khó khăn hoàn toàn có thể thành công.

Còn nhớ, tại Hội thảo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với chủ đề “Chia sẻ nguồn lực-Kết nối thông tin” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp cùng Uỷ ban Dân tộc và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/12/2018, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kết nối thông tin trong khởi nghiệp kinh doanh ở vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng đã nói rất hình ảnh rằng: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình; muốn đi xa, chúng ta hãy đi cùng nhau”.

Trong dự thảo Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban Dân tộc đã đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh tại vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK. Theo đó, ngoài cơ chế hỗ trợ về vốn thì dự thảo còn đề ra chính sách tư vấn hỗ trợ các dự án khởi nghiệp kinh doanh; hỗ trợ thông tin, truyền thông, hỗ trợ quảng bá các dự án khởi nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cấp quốc gia cho các sản phẩm vùng DTTS và miền núi (tương đương tiêu chuẩn 5 sao của sản phẩm theo Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Theo đánh giá của các địa phương khi góp ý vào dự thảo Đề án, đây là chính sách mới, thiết thực, thể hiện tầm nhìn bao quát để thúc đẩy khởi nghiệp vùng DTTS và miền núi.

SỸ HÀO