Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chi Lăng (Lạng Sơn): Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp

Hoàng Quý - 16:00, 31/08/2023

Huyện Chi Lăng là một trong những địa phương của tỉnh Lạng Sơn có lợi thế về diện tích đất sản xuất nông nghiệp, phù hợp với nhiều loại cây trồng như: cây lương thực, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, đặc biệt là cây Na. Để phát huy tiềm năng này, huyện xác định thực hiện đột phá về tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Lãnh đạo huyện Chi Lăng kiểm tra mô hình bảo vệ môi trường tại địa phương
Lãnh đạo huyện Chi Lăng kiểm tra mô hình bảo vệ môi trường tại địa phương

Đổi thay trên mỗi bản, làng

Về xã Bằng Hữu (Chi Lăng) hôm nay, điều khiến chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng quê này, đó là nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang, những con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp, những cánh đồng sản xuất nông nghiệp trù phú… 

Ít ai biết rằng, chỉ vài năm trước đây, cuộc sống của người dân ở Bằng Hữu chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, ngô và chăn nuôi gia súc với quy mô nhỏ, theo hình thức tự cung tự cấp, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, từ năm 2015 trở lại đây, người dân trên địa bàn xã đã bắt đầu phát triển sản xuất, chăn nuôi với quy mô lớn hơn theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập.

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia phong trào phát triển chăn nuôi với quy mô lớn, gia đình chị Tô Thị Sen, thôn Kéo Nọi (xã Bằng Hữu) đã có cuộc sống tốt hơn trước đây rất nhiều. Được biết, trước kia chị Sen chỉ nuôi lợn với quy mô nhỏ, số lượng 6 đến 7 con một lứa nên thu nhập rất bấp bênh.

Đường vào xã Bằng Hữu được xây dựng khang trang giúp người dân đi lại thuận lợi
Đường vào xã Bằng Hữu được xây dựng khang trang giúp người dân đi lại thuận lợi

Thế nhưng, sau khi được tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi của UBND xã Bằng Hữu, chị Sen đã quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi tại gia đình. Chị Sen cho biết để chủ động về con giống, gia đình chị nuôi 3 con lợn nái và mở rộng quy mô nuôi lợn thịt từ 40 dến 50 con/lứa (trung bình một năm 2 lứa). Từ chăn nuôi lợn, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình chị thu nhập trên 130 triệu đồng.

Cũng giống như chị Sen, ông Phạm Văn Hải, thôn Thồng Noọc (xã Bằng Hữu) sau khi được tham gia lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi đã đầu tư mở rộng mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình. Theo đó, ông Hải đã bắt đầu nuôi trâu, bò theo hình thức nhốt chuồng, vỗ béo với quy mô 6 đến 8 con/lứa, mỗi lứa từ 3 đến 4 tháng.

Ông Hải phấn khởi chia sẻ: “Sau khi bán mỗi con trâu, bò cho thu lãi hơn 2 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, tôi nuôi vỗ béo 3 lứa, trừ chi phí, thu nhập trên 50 triệu đồng”.

Được biết, với hiệu quả kinh tế như vậy, phong trào chăn nuôi đã phát triển tại 8/8 thôn của xã Bằng Hữu. Hiện tổng đàn vật nuôi toàn xã có trên 23.000 con, trong đó đàn gia cầm gần 20.000 con, đàn gia súc hơn 3.000 con. Bên cạnh đó, người dân của xã đã trồng được hơn 3 ha cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò.

Đặc biệt, để đàn vật nuôi phát triển ổn định, hằng năm, UBND xã Bằng Hữu thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Chi Lăng mở từ 1 đến 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho người dân để áp dụng vào thực tế; tuyên truyền và hướng dẫn người chăn nuôi cách phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Niềm vui của người dân khi mùa na bội thu
Niềm vui của người dân khi mùa na bội thu

Nhờ sự quan tâm, định hướng từ chính quyền xã cùng với sự chủ động của người dân, phong trào chăn nuôi trên địa bàn xã Bằng Hữu đã đem lại những kết quả tích cực. Từ đó, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Đến cuối năm 2022, hộ nghèo, cận nghèo của xã còn 18,74%, giảm 14,38% so với đầu năm.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; ưu tiên quan tâm đến những gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người yếu thế trong xã hội để hỗ trợ họ vươn lên thoát nghèo.

Hằng năm, UBND huyện đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, các sản phẩm như: nguyên liệu thuốc lá, na, khoai tây, ớt… đã có liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp lớn.

Theo ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, nhờ áp dụng các giải pháp trên, đã từng bước nâng cao chất lượng vùng sản xuất nông nghiệp, giá trị sản phẩm ngày càng được nâng lên như: Vùng trồng na khoảng 2.300 ha, giá trị đạt khoảng 700 tỷ đồng/năm; vùng trồng cây có múi quy mô trên 500 ha, giá trị đạt khoảng 50 tỷ đồng/năm; vùng nguyên liệu thuốc lá khoảng 800 ha, giá trị đạt trên 70 tỷ đồng; chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển với quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa...Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế -xã hội của huyện. 

Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện tính đến ngày 10/8/2023 đạt 34.488 triệu đồng, đạt 74,3 % kế hoạch tỉnh giao, đạt 56,2 % kế hoạch huyện điều hành; ước thực hiện thu NSNN 9 tháng đầu năm 2023 đạt 40.627 triệu đồng, đạt 87,6 % dự toán tỉnh giao, đạt 66,2% kế hoạch điều hành và bằng 80,2% so với cùng kỳ.

Hiện nay, nhiều người dân Chi Lăng đã chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng.
Hiện nay, nhiều người dân Chi Lăng đã chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng.

Ông Vi Nông Trường nhận định, với quan điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp là quá trình thường xuyên liên tục, lâu dài, cần có cách đi, bước làm phù hợp; trong đó vừa phải thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề theo hướng phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh và có thị trường tiêu thụ; vừa phải chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững; vừa phải bảo đảm các nhu cầu cơ bản của người dân trên địa bàn huyện.

Trong thời gian tới, các cấp các ngành và Nhân dân trên địa bàn huyện Chi Lăng  xác định phải tranh thủ thời cơ thuận lợi, thực hiện hiệu quả các nguồn vốn từ các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025; chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất cho Nhân dân.