Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chất lượng sản phẩm du lịch ở Việt Nam: Loay hoay tìm cách đột phá

PV - 17:46, 08/06/2018

Trong nhiều năm qua, du lịch Việt Nam vẫn duy trì bền vững thương hiệu điểm đến giá rẻ của khu vực. Chú trọng phát triển các sản phẩm giá rẻ và trung cấp để thu hút đông du khách, đảm bảo mức tăng trưởng của lượng nhưng không đảm bảo sự gia tăng bền vững, thiếu sự đầu tư về chất. Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đang đề ra giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đi kèm với kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo tính bền vững, duy trì thương hiệu cho điểm đến.

Có nên định vị thương hiệu “điểm đến giá rẻ”?

Nhiều năm nay, “Ngày thăm bản-tối ngủ nhà sàn” trở thành trải nghiệm quen thuộc cho du khách ở hầu hết các bản làng du lịch cộng đồng Tây Bắc. Nhìn vào hệ thống tuyến, điểm du lịch khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc có thể thấy, từ những điểm đầu tiên trong cả nước làm du lịch cộng đồng như Mai Châu rồi lan ra nhiều địa phương khác của Hòa Bình, Ba Bể (Bắc Kạn), Điện Biên, Sơn La, Hà Giang… đều có chung một công thức triển khai phát triển sản phẩm như vậy. Các sản phẩm du lịch đi vào lối mòn truyền thống, thiếu tính đột phá đã làm giảm sự hấp dẫn của điểm đến. Hầu hết thời gian lưu trú của khách du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng này chỉ từ một tới hai đêm, với mức chi tiêu mua sắm thấp.

Phát triển sản phẩm du lịch đi kèm với kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch là một giải pháp để thu hút du khách thị trường châu Âu với khả năng chi tiêu cao. Phát triển sản phẩm du lịch đi kèm với kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch là một giải pháp để thu hút du khách
thị trường châu Âu với khả năng chi tiêu cao.

Theo báo cáo năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành của Việt Nam có tăng 8 bậc so với trước, đứng thứ 67/136 quốc gia, được 3.78 điểm. Thế mạnh cạnh tranh thực sự đều do sự nổi trội của tài nguyên văn hóa và tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch và dịch vụ nghèo nàn trở thành những ấn tượng không tốt đẹp trong du khách.

Tính chung quý I năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 4,2 triệu lượt người, trong đó, dòng khách châu Á vẫn chiếm ưu thế với hơn 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc; gần 900 ngàn lượt khách Hàn Quốc. Lượng khách từ thị trường tiềm năng chỉ tăng nhẹ, như khách Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản… là hơn 200 ngàn lượt. Chi phí của khách quốc tế đến với Việt Nam chủ yếu vẫn nằm ở khoản dành cho đi lại, lưu trú, ăn uống, thăm quan. Trong khi tạo nên nhiều giá trị gia tăng là dịch vụ, chẳng hạn như mua sắm thì hầu bao của khách du lịch dành cho mục này còn thấp.

Tại Hà Nội, Trung tâm Du lịch lớn phía Bắc, mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế chỉ khoảng 110 USD/ngày và khách nội địa khoảng 55 USD/ngày.

Thách thức khi nâng cao chất lượng sản phẩm

PGS.TS Phạm Trung Lương, chuyên gia thuộc Hiệp hội Đào tạo Du lịch VN (VITEA) cho rằng, mua sắm-hoạt động tiêu tiền của du khách-không chỉ là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch, mà còn là yếu tố nâng cao mức chi tiêu trung bình của du khách trong chuyến đi du lịch tại điểm đến. Mức độ hấp dẫn của mua sắm phụ thuộc vào sự đa dạng, chất lượng và tính hợp lý về giá cả hàng hoá, bao gồm hàng hiệu và hàng thủ công mỹ nghệ địa phương mà du khách quan tâm.

Chính vì vậy mà trong Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Du lịch xác định đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mang tính đẳng cấp, thu hút thị trường khách với khả năng chi tiêu cao; các thị trường có nhu cầu nghỉ dưỡng, tìm hiểu, trải nghiệm dài ngày, trong đó tập trung thu hút thị trường khách Đông Bắc Á, châu Âu (gồm cả Tây Âu, Bắc Âu và Đông Âu), châu Mỹ, châu Úc, Đông Nam Á.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, việc phát triển dòng sản phẩm cao cấp có hai hướng tiếp cận: Một mặt là nâng cấp và tạo ra sản phẩm mới có chất lượng trên cơ sở tài nguyên và điểm đến truyền thống. Hoặc là tạo ra sản phẩm du lịch mới. Tại nhiều thành phố có du lịch biển sẽ tập trung phát triển du lịch biển đảo nhưng có thể tạo ra sự khác biệt. Ví dụ như Nha Trang có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng và giải trí, Đà Nẵng kết hợp du lịch nghỉ dưỡng-kết nối di sản thế giới như Hội An-Mỹ Sơn, Hạ Long vừa là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, giải trí…

Bên cạnh đó, cần xóa bỏ tình trạng mạnh ai nấy làm ở các địa phương, định hướng phát triển thương hiệu du lịch vùng gắn với định vị sản phẩm đặc trưng để tạo điểm nhấn thu hút khách. Việc phát triển sản phẩm du lịch đi kèm với kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch để đảm bảo tính bền vững, cũng như duy trì thương hiệu cho điểm đến. Những địa phương có thế mạnh, cần chủ động và tăng cường quảng bá tới các thị trường mục tiêu, thay vì chờ phương án xúc tiến chung của Tổng cục Du lịch.

NGỌC ÁNH - LÊ HƯƠNG