Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Chân dung Hồ Chí Minh-Góc nhìn từ tranh cổ động”

PV - 10:49, 17/05/2019

“Chân dung Hồ Chí Minh-Góc nhìn từ tranh cổ động” là cuộc triển lãm theo chuyên đề do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, nhân Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Người.

Cuộc triển lãm với những hình ảnh sống động về vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã mang lại nhiều cảm xúc, tình cảm tôn kính trong tim mỗi người dân khi nhớ về Bác, đồng thời lan tỏa thêm tình yêu quê hương, đất nước cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ.

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng thăm quan. Triển lãm thu hút đông đảo công chúng thăm quan.

Câu chuyện đằng sau bức vẽ

Vòng quanh Triển lãm, đâu đâu cũng bắt gặp, cũng cảm nhận được hình ảnh Bác Hồ thật gần gũi, giản dị mà chan chứa tình yêu bao la. Với bức tranh “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” của họa sĩ Đỗ Mạnh Cương, hình ảnh Bác Hồ mỉm cười đi cùng các cháu nhỏ đại diện cho các dân tộc ở Bắc, Trung, Nam. Các cháu nhỏ khoác trên mình bộ trang phục DTTS rực rỡ sắc màu, thể hiện một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Xung quanh được khắc họa những chú chim bồ câu và cờ Tổ quốc, thể hiện một bầu không khí hòa bình, tự do.

Công chúng thăm quan cũng rất đỗi quen thuộc với bức tranh Bác Hồ hôn má em bé có tên “Độc lập-Thống nhất-Hòa bình-Hạnh phúc”. Đây chính là bức tranh được treo ở trên nóc Nhà Thông tin TP. Hà Nội (ngã tư Tràng Tiền-Đinh Tiên Hoàng).

Là tác giả của bức tranh nổi tiếng này, họa sĩ Trần Từ Thành, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội chia sẻ, bức tranh này xuất phát từ chính cuộc đời đầy đau thương của gia đình ông. “Năm 1968, Mỹ thả bom B52 đã giết hại cùng lúc cả bố mẹ và anh chị tôi. Thấm thía sự tàn khốc của chiến tranh và khát khao mãnh liệt về hòa bình, tôi tự nhủ sẽ vẽ một bức tranh về hòa bình và đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc. Năm 1975, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) và Hội Mỹ thuật Việt Nam mở cuộc vận động sáng tác tranh, tượng chào mừng đất nước hòa bình, thống nhất, tôi đã vẽ bức tranh này trong niềm khát khao đó. Bức tranh đã đạt giải Nhì và Xưởng tranh cổ động Trung ương đã đề nghị tôi đưa vào tranh câu khẩu hiệu “Độc lập-Thống nhất-Hòa bình-Hạnh phúc” để in và phát hành trên cả nước”, họa sĩ Trần Từ Thành kể lại.

“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ

Có thể nói, mỗi bức tranh được trưng bày tại Triển lãm “Chân dung Hồ Chí Minh-Góc nhìn từ tranh cổ động” đều mang trong mình những câu chuyện cảm động của chính tác giả với Bác Hồ kính yêu. Do đó, ngoài được sống với cảm xúc, tình cảm thân thương, qua các tác phẩm của các họa sĩ, nhà mỹ thuật công chúng thăm quan còn có thể cảm nhận được về những giá trị cuộc sống, giá trị của sự độc lập, tự do mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã dẫn dắt toàn dân tộc giành được.

Tại Triển lãm, bạn Nông Đình Phúc, dân tộc Tày, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội chia sẻ, em tới Triển lãm để học hỏi và trau dồi thêm kiến thức. Qua những nét vẽ của các thế hệ tiền bối, những bức tranh cổ động rất có hồn, sống động. Em thấy đề tài về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một đề tài hấp dẫn, khơi nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ như chúng em. Nhân chuyến thăm quan này, em cũng sẽ vẽ một bức tranh về Hồ Chí Minh gắn với thế hệ trẻ thực hiện di chúc của Người để nộp bài tập cuối học kỳ.

Theo Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Triển lãm lần này gồm 04 phần: Hồ Chí Minh-Linh hồn dân tộc Việt Nam; Hồ Chí Minh-Nhà quân sự, nhà thơ; Bác Hồ-Một tình yêu bao la và Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi.

Đặc biệt, Trưng bày lần này còn ra mắt ấn phẩm “Chân dung Hồ Chí Minh-Góc nhìn từ tranh cổ động (1969-2011)” giới thiệu về các tác phẩm tranh cổ động và một số bài viết của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, các họa sĩ.

Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh: “Thông qua các hoạt động này, chúng tôi mong muốn giúp cho người xem hiểu thêm về phong cách nghệ thuật, những giá trị lịch sử, văn hóa của đồ họa tuyên truyền Việt Nam; hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lịch sử nước nhà. Thông qua đó, chúng tôi cũng mong muốn lan tỏa, tình yêu quê hương đất nước tới người xem cả nước, nhất là với công chúng thuộc thế hệ trẻ”.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...