Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chan chứa tình yêu Bác

Hồng Minh - 09:52, 19/05/2020

“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”. Câu nói đó của Bác Hồ không chỉ là lời khẳng định cho tình đoàn kết 54 dân tộc trên dải hình chữ S, mà còn là tình cảm bao la Bác Hồ dành cho đồng bào các DTTS Việt Nam.

Bà Lò Thị Tóm (thứ 2 từ trái sang) xem Triển lãm ảnh về Bác Hồ tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam
Bà Lò Thị Tóm (thứ 2 từ trái sang) xem Triển lãm ảnh về Bác Hồ tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam

“May mắn lớn nhất của cuộc đời tôi đến bây giờ có lẽ là từng được gặp Bác Hồ”. Đó là lời chia sẻ đầy nghẹn ngào, xúc động của bà Lò Thị Tóm, dân tộc Thái, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Thấm thoát đã hơn 60 năm trôi qua, cô học sinh lớp 2, dân tộc Thái, Lò Thị Tóm ngày nào giờ đã thành một bà lão ngoài 70 tuổi. Dù tuổi đã cao, bước đi cũng chậm dần, nhưng với bà Tóm hình ảnh về Người Cha già kính yêu của dân tộc luôn khắc sâu trong tâm trí của bà.

Ngày 8/5/1959, Bác Hồ về thăm huyện Mộc Châu, khi đó bà Tóm đang học Trường Tiểu học Mường Sang thì bất ngờ được cô giáo thông báo sẽ cùng các bạn học sinh trong trường đi đón Bác. “Khi ấy tôi còn nhỏ nên cũng chưa biết nhiều về Bác, nhưng khi cô giáo nói hôm nay sẽ đi đón đoàn cán bộ từ xuôi lên thăm chúng tôi vui lắm. Được nhìn thấy cán bộ chính là Bác Hồ tự nhiên tôi lại có cảm giác thật gần gũi thân quen tự khi nào. Lúc đó, tôi cùng các bạn học sinh trong trường chưa nghe, nói thông thạo tiếng Kinh, nhưng những lời Bác dặn, chúng tôi hiểu được hết. Giọng Bác trầm ấm, từng lời dạy cứ văng vẳng trong đầu tôi đến tận bây giờ”, bà Tóm bồi hồi nhớ lại.

Bà Tóm kể, khoảnh khắc được gặp Bác thật ngắn ngủi vì Bác còn bận nhiều công việc chẳng thể ở lại lâu với bà con Mộc Châu. Cả cuộc đời Bác, niềm đau đáu lớn nhất là lo cho nước, cho dân. “Khi tôi được gặp lại Bác lần thứ hai thì Bác đã đi xa rồi, đó là vào năm 1976 tôi được vào Lăng viếng Bác”, nói đến đây, giọng bà Tóm nghẹn lại, hai dòng nước mắt trào ra trên nếp da nhăn sạm nhuốm màu thời gian.

Không được tận mắt thấy nụ cười nồng ấm của Bác như bà Tóm, nhưng với ông Đào Ngọc Lương, dân tộc Mường, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cũng chẳng thể quên cảm xúc khi lần đầu tiên được vào Lăng viếng Bác.

Năm 1975, ông Lương cùng Đoàn Đại biểu cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Hòa Bình vinh dự là đoàn học sinh đầu tiên vào Lăng viếng Bác Hồ khi Lăng Bác khánh thành. “Tôi nhớ là nhìn thấy Bác nằm yên giấc ngàn thu, tôi bật khóc. Dù Bác đã đi xa, nhưng có lẽ hình ảnh của Bác luôn sống mãi trong trái tim của người dân Việt Nam, lời Bác dạy sẽ luôn là kim chỉ nam trong cuộc sống”, ông Lương bày tỏ.

Kể từ lần đầu được vào Lăng viếng Bác, đến nay cứ mỗi dịp xuống Thủ đô, ông Lương đều vào Lăng để được nhìn thấy Bác. “Tới giờ đã có hàng chục lần tôi vào Lăng viếng Bác. Lần nào cũng vẹn nguyên một cảm xúc như lần đầu tiên”, ông Lương xúc động nói.

Câu chuyện của bà Tóm, ông Lương đã nói lên phần nào tình cảm chân thành, lòng kính yêu của đồng bào các DTTS dành cho Bác Hồ kính yêu. Ở đâu đó trên mỗi bản làng, còn biết bao người con chưa một lần được gặp Bác Hồ hay cũng chưa một lần được về Thủ đô vào Lăng viếng Bác. Nhưng, mỗi lần nhắc về Bác, hay nghe những câu chuyện về Người, trong lòng của mỗi người con đất Việt lại trào dâng cảm xúc.

Tin cùng chuyên mục