Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chăm lo thiết thực, phát huy hiệu quả vai trò của Người có uy tín

Lê Hường – Lê Ngọc - 09:38, 04/02/2022

Những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã thể hiện vai trò quan trọng trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động Nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư...

Người có uy tín Dương Công Chài là người đi đầu làm du lịch cộng đồng ở thôn Nà Riềng và định hướng bà con cùng phát triển du lịch cộng đồng.
Người có uy tín Dương Công Chài là người đi đầu làm du lịch cộng đồng ở thôn Nà Riềng và định hướng bà con cùng phát triển du lịch cộng đồng.

Để kịp thời động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho Người có uy tín, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg; Quyết định 56/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg để thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Nhìn lại chặng đường 10 năm triển khai, chính sách đối với Người có uy tín đã thực sự lan tỏa đến từng thôn bản, buôn làng, phum sóc, góp phần thay đổi diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước.

Sự quan tâm thiết thực

Trong cuộc trò chuyện với các già làng, trưởng bản, Người có uy tín tiêu biểu tại Hà Nội ngày 21/12/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Các già làng, trưởng bản, Người có uy tín là những người tiêu biểu, gương mẫu “là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác””.

Thấy được vai trò quan trọng của Người có uy tín trong đồng bào DTTS, từ năm 1996, trong văn kiện chính trị của Đảng đã chỉ đích danh cụm từ “người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào dân tộc và ở địa phương”, mở đường cho các văn kiện sau này. Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ra đời bằng các Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách đối với Người có uy tín.

Hiện nay, cả nước có 29.567 Người có uy tín trong cộng đồng. Giai đoạn 2011-2021, ngân sách Trung ương và địa phương đã bố trí khoảng hơn 500 tỷ đồng để thực hiện chế độ, chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Theo đó, các địa phương đã tổ chức 6.335 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tổ chức 1.435 cuộc tham quan học tập tại các địa phương; cấp 04 loại báo cho Người có uy tín. Các đơn vị đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 311.860 lượt Người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán, 46.670 lượt Người có uy tín nhân dịp Tết của các DTTS…; biểu dương khen thưởng cho 18.826 Người có uy tín với các hình thức và mức độ khen thưởng khác nhau. Ủy ban Dân tộc đã tổ chức tiếp đón khoảng 300 Đoàn đại biểu Người có uy tín của các tỉnh, thành phố với tổng số hơn 8.000 Người có uy tín thăm Thủ đô Hà Nội và Ủy ban Dân tộc.

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố còn có các hoạt động “tri ân” những đóng góp của Người có uy tín, thể hiện sự quan tâm đến lực lượng đặc biệt này.

Ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc Đắk Lắk chia sẻ: Với những đóng góp của Người có uy tín trong cộng đồng các DTTS, hằng năm ngoài thực hiện chính sách chung dành cho Người có uy tín, các cấp, ngành, cơ quan dân tộc trong tỉnh còn thăm hỏi, động viên Người có uy tín lúc ốm đau. Hằng năm, Ban Dân tộc Đắk Lắk tổ chức biểu dương Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS.

Thực tế đã chứng minh chính sách đối với Người có uy tín là một chính sách đúng đắn, phù hợp với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chính sự quan tâm thiết thực về chế độ chính sách cũng như động viên tinh thần của Đảng, Nhà nước và chính quyền, Người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình trong cộng đồng DTTS.

Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Người có uy tín

Con đường dẫn vào buôn Drao, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk nay đã thảm nhựa sạch đẹp, hai bên nhà cửa xây dựng khang trang. Ít ai nghĩ rằng nơi đây từng là điểm nóng về tình trạng vượt biên trái phép, nhiều gia đình đồng bào Ê Đê nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu kéo nhau vượt biên sang Campuchia, Lào tìm miền đất hứa.

Có thời điểm, tình trạng người dân vượt biên diễn ra thường xuyên khiến lực lượng chức năng, chính quyền địa phương phải đau đầu. Lúc bấy giờ ông Y Krú là Người có uy tín được người dân của buôn Drao tôn kính, đã cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân. Nhờ sự kiên trì, khéo léo trong công tác dân vận của ông mà nhiều người lạc lối trở lại quê hương. Những năm gần đây, người dân trong buôn không còn vượt biên trái phép nữa. Bà con chí thú làm ăn, buôn làng ngày càng khang trang, đời sống ấm no hơn.

Từng nhẹ dạ cả tin, nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, ông Y Bhi Niê, buôn Drao giao lại nương rẫy, nhà cửa cho con gái lớn trông coi rồi đưa vợ, 3 người con nhỏ và 2 người em vợ vượt biên trái phép sang Campuchia. Ông Y Bhi Niê kể: Trốn sang nước bạn, chúng tôi chỉ giữ liên lạc với người thân. Con gái tôi bảo ông Y Krú, Người có uy tín buôn Drao năm lần bảy lượt đến nhà vận động để có thể trực tiếp liên lạc với tôi. Nghe ông phân tích, tâm tình tôi hiểu mình đã làm điều sai nên đầu năm 2019, tôi đưa vợ con trở về quê hương. Không chỉ mình tôi, nhiều gia đình khác trong buôn lỡ bỏ nhà đi theo kẻ xấu cũng được ông khéo léo khuyên nhủ trở về.

Ông Y Huấn Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Né chia sẻ: Không riêng buôn Drao, ở các buôn khác trên địa bàn xã có xảy ra tình trạng đồng bào DTTS vượt biên trái phép. Đội ngũ Người có uy tín góp công lớn trong việc vận động các đối tượng trở về quê hương, giảm tình trạng mất an ninh trật tự tại địa phương. Điển hình như ông Y Krú, Người có uy tín buôn Drao. Ngoài phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tuyên truyền trong các buổi họp buôn, ông kiên trì đến từng nhà có người thân vượt biên tìm cách khuyên nhủ. Để vận động hiệu quả, ông tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình có người vượt biên, nắm đúng tâm lý, phân tích cho họ nghe, hiểu về mục đích của các thế lực thù địch lợi dụng dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Nghe theo lời ông nhiều người quyết định trở về.

Bên cạnh đó, Người có uy tín còn là lực lượng đi đầu trong phát triển kinh tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.

Đơn cử, đời sống bà con dân tộc Tày ở thôn Nà Riềng, xã Bắc Quỳnh có những chuyển biến tích cực như bây giờ một phần nhờ đóng góp của Người uy tín Dương Công Chài. Ông Chài đã góp công lớn trong phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường và là người tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ông khéo léo vận dụng biến bản sắc văn hóa dân tộc thành sản phẩm du lịch độc đáo, hút khách, giúp người dân làm du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế…

Từ thực tế, có thể khẳng định, Người có uy tín luôn giữ vai trò đầu tàu cho mọi hoạt động trong cộng đồng DTTS, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trên khắp bản làng vùng DTTS và miền núi, Người có uy tín là gương sáng, tiêu biểu được người dân tôn kính.

Ông Lưu Xuân Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Dân tộc Thiểu số (Uỷ ban Dân tộc) nhấn mạnh: Để phát huy hơn nữa vai trò của Người có uy tín vùng DTTS trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trong giai đoạn tới, Uỷ ban Dân tộc sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương thức vận động Người có uy tín. Chủ trì xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ (sổ tay hướng dẫn) cho Người có uy tín. Đặc biệt, Chính sách Người có uy tín trong đồng bào DTTS được đưa vào nội dung số 1, tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước mà còn góp phần chăm lo tốt hơn nữa đến Người có uy tín trong đồng bào DTTS.