Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cây cầu mới nối đôi bờ Mả Phềnh

Mỹ Dung - 01:11, 24/10/2023

Cách đây tròn 1 năm, phóng viên Báo Dân tộc và phát triển có bài viết “Quảng Ninh: Hiểm nguy rình rập quanh cây cầu tạm” tại khu Mả Phềnh, thôn Bình Sơn, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh)”. Từ phản ánh của báo chí đến nay, chính quyền địa phương đã kịp thời bố trí nguồn vốn làm cầu sắt thay thế. Và đặc biệt, khu Mả Phềnh giờ đây đã có cầu ngầm tràn bê tông cốt thép chắc chắn.

Cây cầu mới nối đôi bờ Mả Phềnh
Cây cầu mới nối đôi bờ Mả Phềnh

Khu Mả Phềnh thuộc thôn Bình Sơn có 15 hộ dân người Dao, với 71 nhân khẩu sinh sống. Trước đây, người dân nơi đây vẫn phải đi trên cây cầu tạm lỏng lẻo, xuống cấp, khiến người dân luôn thường trực nỗ lo, đặc biệt mỗi khi mùa mưa đến.

Nhớ lại những gian nan đã qua gắn với cây cầu tạm, chị Chíu Thị Hạnh, một người dân tại khu dân cư Mả Phềnh tâm sự, thời điểm đường đất lầy lội, ngầm tràn cản lối, nên gỗ keo (loại cây trồng phổ biến ở đây) bán ra cũng thấp hơn từ 5-10 triệu đồng/ha. Nhà nào muốn xây nhà thì giá vật liệu cũng đội lên nhiều vì xe khó vận chuyển vào được.

"Cũng vì cầu tạm ở khu chúng tôi còn quá chông chênh nên việc đi học của con trẻ ở Mả Phềnh cũng trắc trở, bởi điểm trường lại nằm bên này bờ suối, cứ mưa lớn là phải bỏ học. Hôm nào đang học mà có mưa to là phụ huynh phải nháo nhào sang đón con, hoặc điện gửi người quen ở gần trường", chị Hạnh kể.

Trước kia người dân khu Mả Phềnh phải đi qua cây cầu tạm cực kỳ chênh vênh, nguy hiểm
Trước kia người dân khu Mả Phềnh phải đi qua cây cầu tạm cực kỳ chênh vênh, nguy hiểm

Cảnh đi lại khó khăn, cô lập vào mùa mưa lũ khiến lãnh đạo khu, xã cũng như bà con người Dao nơi đây đều đau đáu mong có đường, cầu mới. Mong muốn, nguyện vọng đã được thực hiện với dự án đường – cầu bê tông bắc qua ngầm tràn dài 900 m, móng cấp phối, kè đá hộc, có tổng trị giá đầu tư 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân cũng hiến đất để làm thêm tuyến đường bê tông nối với cầu dài hơn 1km, rộng hơn 3km, với kinh phí trên 2 tỷ đồng. Tháng 9/2023, cây cầu ngầm tràn và đường bê tông đi vào hoạt động.

Chia sẻ về niềm vui của người dân, ông Hoàng Văn Phim, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bình Sơn, xã Đông Ngũ cho biết, khi nghe thông tin có dự án tuyến đường tràn qua suối vào Mả Phềnh được triển khai, bà con ai cũng phấn khởi. Đặc biệt, khi đưa dự án ra bàn bạc, bà con trong khu không những đồng tình ủng hộ mà còn sẵn sàng hiến đất làm đường, không đòi hỏi chế độ gì.

"Nhà thì hiến vài chục mét đất canh tác hoa màu, người thì hiến cả ngàn mét vuông đất lâm nghiệp. Tính ra, cả điểm dân cư Mả Phềnh đã hiến cả vạn mét vuông đất để làm đường", ông Phim cho hay.

Chỉ tay trên cây cầu bê tông với ánh mắt rạng rỡ, bà Đặng Thị Oanh, một hộ dân sinh sống ngay gần bên cầu hồ hởi cho biết: “Cả khu Mả Phềnh, rồi cả thôn chúng tôi đều vui lắm. Có cây cầu rộng, chắc chắn thế này đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn nhiều. Thế này dù có mưa lụt dài ngày cũng không còn lo sợ nữa rồi!”.

Người dân khu Mả Phềnh hào hứng chia sẻ về cây cầu mới
Người dân khu Mả Phềnh hào hứng chia sẻ về cây cầu mới

Không những vậy, có cây cầu bê tông mới chắc chắn, người dân nơi đây cũng yên tâm lao động, sản xuất hơn. Như nhiều gia đình khác trong khu, anh Hoàng Thái Sơn chia sẻ quyết tâm của mình: "Đường mới đã mở, cầu mới đã xong, gia đình đang tính chuyển đổi mô hình canh tác sang hướng sản xuất. Gỗ rừng trồng ở đây sản lượng khá nhiều, nhưng chưa ai có ô tô để vận tải. Vì thế, sau vụ keo này của gia đình, tôi sẽ nghiên cứu mua một chiếc xe tải để thu mua gỗ của bà con”.

Đây thật sự là công trình đem lại niềm vui lớn đối với khu Mả Phềnh nói riêng cũng như xã Đông Ngũ nói chung. Cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ có ý nghĩa nối liền đôi bờ, mà còn tạo thêm động lực, niềm tin để người dân yên tâm lao động, sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo

Chia tay khu Mả Phềnh với những cánh rừng keo trải rộng hai bên đường, phóng viên chúng tôi hi vọng về sự đổi thay mạnh mẽ của đời sống người dân khi dịp gần nhất quay trở lại nơi đây.