Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cầu treo xuống cấp - Hiểm nguy rình rập

Lê Hường - 12:54, 19/11/2020

Sử dụng lâu năm, nhiều cầu treo trên địa bàn huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Dù biết nguy cơ tai nạn cao, song hàng ngày người dân vẫn phải “liều mình” đi qua những cây cầu treo xuống cấp này vì không có sự lựa chọn.

Người dân mạo hiểm qua cầu treo Xuân Thái - Xuân Thái 2 đã xuống cấp
Người dân mạo hiểm qua cầu treo Xuân Thái - Xuân Thái 2 đã xuống cấp

Thôn Xuân Thái, xã Ea Dăh nằm dọc sông Krông Năng. Thôn có 60 hộ dân với 285 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào DTTS. Do cách xa trung tâm xã, giao thông đi lại khó khăn nên người dân thôn này đều cho con học tại xã Phú Xuân. 

Để thuận tiện cho việc đi lại, thời gian qua, người dân trong thôn đã tự bỏ kinh phí làm 3 cây cầu treo bắc qua sông Krông Năng, nối thôn Xuân Thái với các thôn Xuân Thái 1, Xuân Thái 2, Xuân Thái 3 của xã Phú Xuân. Tuy nhiên, các cây cầu này đã xuống cấp, hư hỏng nhiều năm, người dân nhiều lần kiến nghị với các đoàn tiếp xúc cử tri mong muốn xây dựng một cây cầu kiên cố, nhưng hàng chục năm nay vẫn mỏi mòn chờ.

Đơn cử, cầu treo Xuân Thái – Xuân Thái 3 bắc qua sông Krông Năng nối xã Phú Xuân và xã Ea Dăh (huyện Krông Năng) đã được người dân làm khoảng 20 năm trước. Sử dụng lâu năm, cầu đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Dù dây cáp đã hoen rỉ, xà gỗ mục gãy, nhưng hàng ngày người dân nơi đây vẫn phải lưu thông qua cầu.

Bà Hà Thị Danh, một người dân xã Phú Xuân cho biết: Cây cầu này đã cũ, hư hỏng nhiều năm nay rồi. Mỗi lần chạy xe qua cầu rung lắc rất mạnh, cứ phải gồng tay lái, đi chậm, nhìn thẳng về phía trước, chứ nhìn xuống sông là run tay. 

“Trước mùa mưa bão hàng năm, người dân hai xã lại tự đóng góp kinh phí khắc phục, sửa chữa. Mình người lớn đi còn run, tụi nhỏ đi học hàng ngày phụ huynh lo nơm nớp”, bà Danh nói.

Cầu treo Xuân Thái – Xuân Thái 2 cũng trong tình trạng tương tự; thanh sắt, dây thép chằng hai bên cầu hoen gỉ hoàn toàn, ván gỗ mục gãy, mặt cầu võng xuống. Gia đình chị Nông Thị Bay, cư trú tại thôn Xuân Thái, xã Ea Dăh nhưng vì cách xa trung tâm xã nên cả 3 người con của chị đều học tại trường tiểu học của xã Phú Xuân nên vẫn phải qua cầu này hằng ngày. 

Chị Bay chia sẻ: "Hàng ngày đón đưa các con đi học, mỗi khi qua cầu lại thấy bất an. Những ngày mưa gió, cầu đung đưa mạnh rất sợ nhưng cũng bấm bụng đi qua, trời lạnh mà toát hết mồ hôi".

Một người dân sống gần cầu chia sẻ: Không nhớ đã chứng kiến bao nhiêu trường hợp người dân, các cháu học sinh bị té xe khi qua cầu. Mỗi lần nghe tiếng động lớn, là tôi lại chạy ra thật nhanh để hô hoán mọi người giúp đỡ người bị nạn. Sông Krông Năng rất rộng, nước chảy xiết, đi qua mấy cây cầu này mùa mưa như “đánh cược” mạng sống với dòng nước dữ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ ở Ea Dăh mà nhiều địa phương trên địa bàn huyện Krông Năng hiện có khoảng 30 cầu tạm bắc qua sông, suối; nhiều cầu do người dân làm tự phát, thời gian đưa vào sử dụng đã 15 - 20 năm trước. Không theo quy chuẩn, sử dụng lâu năm nên đến nay một số cầu treo đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. 

Ông Lê Đức Ánh, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Năng cho biết: Sông Krông Năng có bề rộng khoảng từ 50 - 80m bao quanh huyện huyện Krông Năng. Toàn huyện có 5/30 cầu tạm hư hỏng, mùa mưa, việc đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân rất khó khăn, nguy hiểm. Tuy nhiên, do kinh phí xây cầu mới quá lớn nên huyện cũng chỉ biết làm báo cáo gửi lên trên chờ xin kinh phí.

“Trước mắt, huyện yêu cầu các xã chỉ đạo các thôn tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, đặc biệt là vào mùa mưa bão phải bố trí lực lượng hướng dẫn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi đi lại qua cầu”, ông Ánh nói.