Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Cắt xén” suất ăn của học sinh có vi phạm pháp luật?

Tào Đạt - 06:13, 19/12/2023

Những ngày qua, dư luận đang rất quan tâm tới thông tin Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) có những bất thường trong bữa ăn bán trú của học sinh. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên vấn đề “cắt xén” tiền ăn của học sinh được báo chí đưa ra phản ánh. Nhiều người còn đặt câu hỏi: Liệu việc “cắt xén” suất ăn của học sinh có vi phạm pháp luật?

(Bài Thời sự) “Cắt xén” suất ăn của học sinh có vi phạm pháp luật?
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông Luật, trả lời phỏng vấn báo Dân tộc và Phát triển

Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông Luật, để giúp độc giả hiểu rõ hơn dưới góc nhìn pháp lý.

Thưa luật sư, có thể xem việc cắt xén suất ăn là sai phạm có tổ chức không? Về vấn đề này, ai là người chịu trách nhiệm? Phải xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

Trẻ em, học sinh là đối tượng được Đảng, Nhà nước và Xã hội đặc biệt quan tâm và chăm sóc. Việc đảm bảo chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của học sinh là việc cực kì quan trọng trong việc phát triển toàn diện về thể chất, tư duy. Khi khẩu phần ăn không đầy đủ thì sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển, học hành. Vì vậy, đảm bảo chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của học sinh là việc vô cùng cần thiết và quan trọng.

Khi phát hiện tình trạng “cắt xén” suất ăn của học sinh thì trước tiên Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu phải chịu trách nhiệm sau đó đến các cán bộ, bộ phận nhà bếp,…

Về vấn đề này, nếu tồn tại tiêu cực xảy ra thì cần sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý, giải quyết, làm rõ vai trò của từng người trong việc ăn bớt, cắt xén thức ăn của học sinh.

Phải làm rõ trách nhiệm ai là người hưởng lợi số tiền chiếm đoạt, chiếm đoạt bao nhiêu để xem xét xử lý theo quy định pháp luật thì mới xác định được sai phạm có tổ chức hay không.

(Bài Thời sự) “Cắt xén” suất ăn của học sinh có vi phạm pháp luật? 1
UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) xác nhận hình ảnh bữa ăn trong phóng sự ghi nhận tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 của chương trình Chuyển động 24 giờ là có thật (Ảnh chụp màn hình)

Dư luận đang rất quan tâm thông tin Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai có những bất thường trong bữa ăn bán trú của học sinh, có dấu hiệu “cắt xén”. Vậy nếu đây là sự thật thì có được xem là vi phạm pháp luật, coi là biển thủ, tham nhũng không?

Vấn đề này mà thực sự có việc ăn bớt thì chính là một hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Có thể thấy hành vi này có dấu hiệu của Tội tham ô tài sản.

Nếu có căn cứ cho rằng người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thì có thể sẽ xử lý hình sự.

Căn cứ tại điều 360 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thì hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù thấp nhất là 6 tháng – cao nhất là 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Nếu có căn cứ cho rằng chủ thể vi phạm có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý thì có thể sẽ xử lý hình sự. Căn cứ tại Điều 353 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội tham ô tài sản thì người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các theo tội quy định (trong BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017) mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mức phạt tù thấp nhất là 2 năm - cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(Bài Thời sự) “Cắt xén” suất ăn của học sinh có vi phạm pháp luật? 2
Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 bị tố bớt xén khẩu phần, 11 học sinh phải ăn 2 gói mì tôm chan cơm (Ảnh chụp màn hình)

Vậy theo luật sư, cần có những biến pháp gì để hạn chế những tình trạng tương tự tái diễn?

Theo tôi, để tránh vấn đề tái diễn, trước tiên, cần thiết lập và áp dụng chính sách và quy định nghiêm ngặt về việc cung cấp thực phẩm cho học sinh. Đảm bảo rõ ràng về số lượng và chất lượng thực phẩm cung cấp cho học sinh.

Thiết lập các hệ thống giám sát và kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo rằng việc cung cấp thực phẩm cho học sinh diễn ra đúng theo quy định và không có sự cắt xén không đáng có.

Cần đảm bảo rằng các cán bộ quản lý trường học, nhân viên nhà bếp và người liên quan phải chịu trách nhiệm rõ ràng về việc cung cấp thức ăn cho học sinh, và chịu trách nhiệm pháp lý nếu vi phạm.

Cùng với đó, cần cải tiến quy trình cung cấp thực phẩm, kế hoạch chuẩn bị và phân phối thực phẩm để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả, từ đó tránh được tình trạng cắt xén thực phẩm không đáng có.

Cuối cùng, các cơ quan phải tạo ra cơ chế báo cáo, ghi nhận rõ ràng và minh bạch về việc cung cấp thực phẩm, từ đó thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động cung cấp thực phẩm cho học sinh.

Những biện pháp trên cũng cần sự hỗ trợ và tham gia chặt chẽ từ phía phụ huynh học sinh, cộng đồng xã hội và cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo rằng quy trình phân phát thức ăn tại trường học diễn ra một cách công bằng và đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Theo báo chí phản ánh trong những ngày qua, tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) diễn ra sự việc lùm xùm, gây nhiều tranh cãi về tình trạng học sinh bán trú có bữa ăn bán trú không đảm bảo chất lượng, có dấu hiệu bớt xén.

Cụ thể, như theo khẩu phần ghi trên bảng, mỗi em được ăn một gói mì tôm 1 quả trứng nhưng thực tế nhà trường chỉ cho 11 em ăn chung 2 gói mì. Trường có tổng số 174 học sinh bán trú hưởng chế độ ăn sáng này. Ngoài ra, thực phẩm dùng để chế biến cho các em học sinh cũng kém chất lượng.

Trước việc này, ngày 17/12, ông Đinh Văn Đăng, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan, UBND xã Hoàng Thu Phố, Ban giám hiệu Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, báo cáo giải trình các nội dung theo phản ánh và các ý kiến của các bên liên quan, UBND huyện Bắc Hà xác định hình ảnh trong phóng sự của chương trình Chuyển động 24 giờ là hình ảnh có thật tại trường này. Tuy nhiên, để có đầy đủ các căn cứ, dữ liệu thực hiện các nội dung xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan cần phải kiểm tra, xác minh, làm rõ thêm nội dung theo phản ánh.

Theo đó, UBND huyện Bắc Hà giao Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện (được thành lập ngày 15/12) khẩn trương, nghiêm túc tổ chức kiểm tra, xác minh các nội dung tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1; đề xuất xử lý nghiêm những vi phạm (nếu có), báo cáo huyện trước ngày 20/12. Phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà phối hợp UBND xã Hoàng Thu Phố, tổ chức kiểm tra, xác minh việc thực hiện chế độ ăn cho học sinh bán trú; công tác lập và chi trả các chế độ, chính sách cho học sinh tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1.

Cạnh đó, yêu cầu Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 nghiêm túc báo cáo, giải trình làm rõ những nội dung thông tin đã phản ánh đảm bảo trung thực, chính xác; chịu trách nhiệm trước UBND huyện Bắc Hà và pháp luật về nội dung báo cáo.

Ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 cũng đã bị tạm đình chỉ 15 ngày, kể từ 17/12 để xác minh, làm rõ những nội dung liên quan.