Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cấp thiết bảo vệ rừng đặc dụng

PV - 15:02, 30/11/2018

Rừng đặc dụng (RĐD) là loại rừng có giá trị đặc biệt về bảo tồn thiên nhiên và nghiên cứu khoa học, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường. Vì thế, RĐD phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng trên thực tế, không ít khu RĐD đang bị “băm nát” vì người dân sinh sống ở vùng đệm thiếu sinh kế.

Muôn kiểu phá rừng!

RĐD Nam Ka nằm trên địa bàn huyện Krông Ana và Lăk (Đăk Lăk), có tổng diện tích tự nhiên 20.678ha, là vùng núi cao hiểm trở, địa hình phức tạp được bao bọc bởi sông Krông Nô. Thế nhưng, RĐD Nam Ka cũng đã và đang là “điểm hẹn” của tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất.

Theo kết quả kiểm tra, rà soát mới nhất của UBND huyện Krông Ana (tháng 7/2018), tại khu vực Láng Ma thuộc RĐD Nam Ka nằm trên địa phận xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) có 51 hộ dân lấn chiếm đất RĐD để sinh sống và trồng cây nông nghiệp, tăng 9 hộ so với kết quả rà soát vào tháng 10/2017; diện tích bị lấn chiếm lên tới 198,2ha, tăng 11,4ha so với tháng 10/2017. Còn tại Tiểu khu 1023, trong tháng 2 và tháng 4/2018 xảy ra 4 điểm phát rừng, đốt rừng, với tổng diện tích rừng bị đốt phá, lấn chiếm là 6,55ha.

Bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước là một trong 214 bản của tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ phát triển cộng đồng theo Quyết định 24/QĐ-TTg. Bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước là một trong 214 bản của tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ phát triển cộng đồng theo Quyết định 24/QĐ-TTg.

Theo ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Ban Quản lý RĐD Nam Ka, trong và xung quanh rừng hiện có 20.000 hộ dân, chủ yếu là đồng bào DTTS thuộc các xã Nam Ka, Ea R’bin, Đăk Nuê, Buôn Triết, Buôn Tría (huyện Lăk) và Bình Hòa (huyện Krông Ana) sinh sống; nhiều hộ thiếu đất sản xuất. Điều này gây áp lực rất lớn đến rừng; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác diễn ra phổ biến. Chưa kể, tập quán canh tác du canh và việc phát dọn đất canh tác vào mùa khô cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng.

Một điều đáng bàn hơn là, dù Nam Ka đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là RĐD, phải được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng UBND tỉnh Đăk Lăk vẫn cho phép triển khai 2 dự án thủy điện nhỏ. Đó là công trình thủy điện Buôn Tua Srah, công suất lắp máy 86MW, hoạt động từ năm 2011. Cạnh đó là công trình thủy điện Chư Pông Krông đang thi công, công suất chỉ có 7,5MW, được triển khai trên diện tích 5,4ha thuộc RĐD Nam Ka.

Với công trình thủy điện Chư Pông Krông, một cách làm khiến dư luận không đồng tình là dường như UBND tỉnh Đăk Lăk đã tìm mọi cách để chủ đầu tư (Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc-một doanh nghiệp tư nhân có trụ sở ở Đăk Lăk) thực hiện dự án. Trong tất cả các quy định pháp luật liên quan, để bảo vệ RĐD thì không cho phép việc chuyển đổi diện tích RĐD để triển khai dự án thủy điện.

Để “lách luật”, ngày 14/9/2017, UBND tỉnh Đăk Lăk đã quyết định điều chỉnh giảm 5,41ha đất thuộc khoảnh 9, Tiểu khu 1306 ra khỏi quy hoạch RĐD Nam Ka, giao về cho UBND huyện Lăk quản lý. Sau đó, UBND tỉnh Đăk Lăk tiếp tục ra quyết định cho Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc thuê 5,41ha này trong thời gian 50 năm để xây dựng Nhà máy Thủy điện Chư Pông Krông (!).

Khẩn cấp giữ RĐD

Theo Giám đốc Ban Quản lý RĐD Nam Ka, ông Nguyễn Văn Nhật, những năm qua, cùng với tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng để lấy đất sản xuất thì những năm qua, hoạt động của Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah đã ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của rừng, một số loài động, thực vật biến mất hoặc bị suy giảm về số lượng. Nay, công trình thủy điện Chư Pông Krông chuẩn bị đi vào hoạt động thì áp lực bảo vệ RĐD Nam Ka càng nặng nề.

Không chỉ riêng Đăk Lăk mà ở nhiều địa phương khác, RĐD đang “hấp dẫn” các nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ, với sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Như ở Sơn La, năm 2016, UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cổ phẩn xây dựng và dịch vụ kỹ thuật Thăng Long (có trụ sở tại Hà Nội) triển khai dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Xuân Nha trên suối Nậm Quanh, thuộc địa phận xã Xuân Nha (Vân Hồ).

Đáng chú ý, để xây dựng Nhà máy chỉ có công suất 4MW này, 16,7ha thuộc RĐD trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha sẽ biến mất; cùng với đó là những hệ lụy lâu dài đối với hệ sinh thái của toàn vùng. Rất may, sau khi dư luận xã hội phản biện thì chủ trương chấp thuận đầu tư Nhà máy thủy điện Xuân Nha đã tạm thời dừng lại.

Dẫn ra như vậy để thấy, việc chính quyền địa phương “làm ngơ” trong công tác quản lý, quy hoạch là một trong những nguyên nhân khiến nhiều RĐD đã, đang và sẽ bị tàn phá. Bởi vậy, ngay từ lúc này, việc cần thiết nhất là các cấp có liên quan phải loại ra khỏi quy hoạch những dự án thủy điện sẽ “ký sinh” trong các RĐD. Với những nhà máy đã “lỡ” đi vào hoạt động thì phải tăng cường quản lý để bảo vệ sự đa dạng sinh học trong các khu rừng.

Một vấn đề cũng cấp thiết được các địa phương đặc biệt quan tâm là thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân sinh sống ở vùng đệm RĐD. Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-TTg về “Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020”. Một trong những nội dung quan trọng của chính sách là hỗ trợ mỗi thôn, bản thuộc vùng đệm của RĐD 40 triệu đồng/năm để đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất, hỗ trợ vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi; gắn sinh kế của người dân với phát triển rừng, đồng thời hạn chế việc phá rừng của người dân. Tổng vốn đầu tư và vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước cho chính sách này khoảng 5.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm, hiện vẫn chưa có một báo cáo tổng quan nào về tình hình thực hiện chính sách. Ở nhiều địa phương, việc cấp kinh phí cho hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm RĐD rất chậm. Như ở Thanh Hóa, toàn tỉnh có có 214 thôn, bản nằm trong vùng đệm các RĐD, nhưng chỉ mới có 25 thôn, bản được hỗ trợ; nguồn hỗ trợ cũng chỉ được cấp vào năm 2013, còn từ năm 2014 đến nay, 25 thôn, bản trên vẫn chưa được cấp.

SỸ HÀO