Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cấp bách bảo vệ rừng và động vật hoang dã

T.H - 22:14, 10/06/2024

Ngày 10/6, thông tin từ UBND huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) cho biết, trước thông tin người dân phát hiện hổ xuất hiện trong rừng Đìu Đo, xã Trường Sơn, ông Trần Xuân Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh đã ký văn bản số 644/UBND - HKL yêu cầu chủ rừng cấp bách bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã.


Hổ Việt Nam đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do hai nguyên nhân chính đó là bị săn bắt, buôn bán trái phép và mất sinh cảnh sống
Hổ Việt Nam đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do hai nguyên nhân chính đó là bị săn bắt, buôn bán trái phép và mất sinh cảnh sống

Chị Hồ Thị Vinh và Hồ Thị Tha (bản Trung Sơn) khi vào khu vực rừng Đìu Đo, xã Trường Sơn, cách thượng nguồn suối Chà Cùng 1km, để lấy mây và hái rau làm thức ăn thì giáp mặt với một con hổ lớn cách khoảng 20-30m. Khi về bản kể lại sự việc, chị Tha và chị Vinh được cụ bà Hồ Thị Nương (70 tuổi, bản Trung Sơn), xác nhận, trước đó vào rừng Đìu Đo lấy mây cũng nghe tiếng hổ gầm.

Trước thông tin này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh đã ký văn bản số 644/UBND - HKL yêu cầu chủ rừng cấp bách bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. 

Theo đó, công văn yêu cầu Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh triển khai các biện pháp cấp bách trong bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã; thường xuyên nắm bắt thông tin để ngăn chặn các hành vi săn bắt, bẫy động vật rừng trái pháp luật trong lâm phận quản lý.

Bên cạnh đó, tổ chức chốt chặn, không để người dân tự ý vào rừng khai thác lâm sản; săn, bắt bẫy động vật hoang dã. Phối hợp với chính quyền xã Trường Sơn và lực lượng chức năng để kiểm tra, xác minh thông tin về việc người dân nhìn thấy hổ trong rừng thuộc lâm phận do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý.

UBND huyện Quảng Ninh cũng yêu cầu UBND xã Trường Sơn thông báo và khuyến cáo người dân cảnh giác và giữ khoảng cách an toàn với khu vực mà một số người dân báo phát hiện động vật hoang dã nghi là hổ. Đồng thời, có biện pháp trấn an để người dân không hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Đồng thời, tuyên truyền đến người dân các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là loài nguy cấp, quý hiếm. Khi phát hiện các loài động vật hoang dã có hình thù giống hổ thì thông báo đến Hạt Kiểm lâm và cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý, tuyệt đối không được săn bắt, bẫy động vật hoang dã trái pháp luật.

Bên cạnh đó, phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xác minh thông tin xuất hiện hổ tại tiểu khu 383 thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý.

Chị Hồ Thị Vinh và Hồ Thị Tha (bản Trung Sơn) kể lại việc 2 chị nhìn thấy hổ
Chị Hồ Thị Vinh và Hồ Thị Tha (bản Trung Sơn) kể lại việc 2 chị nhìn thấy hổ

Theo kết quả điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011, số lượng hổ hoang dã của Việt Nam ước tính còn khoảng từ 27-47 cá thể tại các khu vực: Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Vườn Quốc gia Pù Mát, Vũ Quang, Chư Mom Ray và Yok Đôn. Tuy nhiên đến năm 2015, theo thống kê của IUCN, tại Việt Nam số lượng hổ ngoài tự nhiên chỉ còn dưới 5 cá thể.

Hổ Việt Nam đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do hai nguyên nhân chính đó là bị săn bắt, buôn bán trái phép và mất sinh cảnh sống. Tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép hổ và con mồi của hổ diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Đây từng là nguyên nhân chính làm suy giảm quần thể hổ và cũng là mối de dọa nghiêm trọng đối với hổ ở Việt Nam.

Việc mất sinh cảnh sống, trong đó có sự suy giảm con mồi của hổ do các hoạt động phát rừng lấy đất canh tác nông nghiệp, chuyển đổi đất rừng thiếu quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng là nguyên nhân chính tác động đến quá trình tuyệt chủng loài hổ. Bên cạnh đó, các hoạt động tác động đến rừng như khai thác gỗ, mở rộng nương rẫy, cháy rừng, phá rừng trồng cây công nghiệp, xây dựng thủy điện... đe dọa trực tiếp đến khả năng phục hồi quần thể hổ, con mồi của hổ. Diện tích rừng tự nhiên giảm đẩy nhiều loài thú lớn như voi, hổ, tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng do thiếu thức ăn và nơi cư ngụ.

Theo số liệu của tổ chức Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên WWF vào năm 2016, Việt Nam có khoảng 5 cá thể hổ trong tự nhiên. Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính chất dự đoán, bởi tại thời điểm đó đã không còn ghi nhận bất kỳ hình ảnh nào về loài hổ xuất hiện trong tự nhiên ở Việt Nam. Nhiều tư liệu cho thấy, bức ảnh cuối cùng về loài hổ được ghi nhận ngoài tự nhiên ở Việt Nam đã từ năm 1998, tại Vườn Quốc Gia Pù Mát (Nghệ An).