Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cao nguyên trắng vang mãi tiếng khèn Mông

Trọng Bảo - 09:26, 28/01/2022

Đã đến Cao nguyên trắng Bắc Hà, người ta sẽ không thể quên được tiếng khèn Mông da diết, trầm bổng vang vọng giữa núi rừng trùng điệp. Cây khèn cùng người Mông lên nương, theo người Mông xuống chợ, là hơi thở cuộc sống của người Mông trong các dịp lễ, Tết... Chỉ cần có cây khèn trên vai, cuộc sống của người Mông sẽ bớt đi những nốt trầm lặng lẽ.

Ông Phổng tận tình chỉ dạy cho những đứa trẻ từng làn điệu khèn.
Ông Phổng tận tình chỉ dạy cho những đứa trẻ từng làn điệu khèn.

Khèn như hơi thở cuộc sống

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm nhà nghệ nhân Lý Seo Phổng, ở thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố (Bắc Hà, Lào Cai), đúng vào lúc ông đang say sưa dạy khèn cho những đứa trẻ trong thôn. Nhìn những đứa trẻ chưa đến 10 tuổi, có em còn thấp hơn cả cây khèn, nhưng đã thuần thục những điệu múa vô cùng khó, mới cảm nhận được sự tận tâm, kiên trì của người đàn ông dân tộc Mông này.

Ở xã Bản Phố, ông Phổng là một trong số ít người am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc Mông, trong đó có nguồn gốc, ý nghĩa các bài khèn, kỹ thuật thổi hoặc múa khèn…

Ông Phổng nói, từ bao đời nay, tiếng khèn là sợi dây gắn kết cộng đồng, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mông. Tình yêu của người Mông cũng bắt nguồn từ tiếng khèn giản dị, nhưng vô cùng lãng mạn, tạo nên những đêm tình say đắm nhưng không kém phần mãnh liệt. Đó là nét văn hóa trữ tình độc đáo trên những vùng đất rẻo cao, với những đêm huyền diệu của tiếng khèn. Đêm thổn thức của tiếng lòng, đêm của những khát khao đậm vị ngọt ngào của tình yêu; chất chứa trong đó là những cảm xúc thiết tha, bồi hồi mà rạo rực của những chàng trai, cô gái người Mông trong những vũ điệu xoay tròn quấn quýt bên nhau.

Trong lễ Gầu Tào, cây khèn xuất hiện từ quá trình chuẩn bị chọn cây nêu, trồng cây nêu cho đến kết thúc lễ hội. Cây khèn có vai trò quan trọng trong nghi lễ tín ngưỡng cầu tự, xuyên suốt quá trình hành lễ là phương tiện chuyển tải thông điệp của con người đến thần linh, trời đất, cầu mong cho một thiên thần bé nhỏ nào đó được ra đời trong một gia đình hiếm muộn.

Trong tang lễ, cây khèn có vai trò chỉ đường cho linh hồn người quá cố trở về thế giới bên kia, về với tổ tiên. Từ khi có người mất, cây khèn đã xuất hiện song hành cùng thầy cúng, với bài khèn “khua kế”, nghĩa là “gà chỉ đường” cho đến cả quá trình làm lễ tang và đến khi kết thúc. Tiếng khèn bình thường tình tứ là thế, đắm say là thế, mà trong đám tang nghe thật buồn, khiến nhiều người rơi nước mắt.

“Nên nói người Mông nghe tiếng khèn từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt từ giã cõi đời là như vậy”, ông Phổng chia sẻ.

Những người như ông Phổng, anh Hải đã và đang ngày đêm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Những người như ông Phổng, anh Hải đã và đang ngày đêm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Chuyện ra đời Câu lạc bộ khèn Mông

Ở Cao nguyên trắng Bắc Hà, chuyện về chàng trai Giàng A Hải bỏ phố lên rừng, cũng khiến nhiều người tò mò. Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, Giàng A Hải được nhận về công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, tâm huyết với bản sắc văn hóa của dân tộc mình, Hải đã xin chuyển về công tác tại huyện Bắc Hà với mong muốn có thể chuyên tâm phát triển, bảo tồn văn hóa; trong đó có tiếng khèn Mông.

Đây chính là lý do mà tháng 8/2020, Câu lạc bộ (CLB) khèn Mông huyện Bắc Hà ra đời, với khoảng 100 thành viên tham gia, do chính Giàng A Hải là Chủ nhiệm CLB. Chàng trai dân tộc Mông chia sẻ, những ngày đầu thành lập, CLB gặp không ít khó khăn từ kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, đạo cụ như tăng âm, loa đài, khèn…

“Ngay như việc duy trì hoạt động của CLB ra sao, quy chế thế nào… chúng tôi cũng bỡ ngỡ, vì trước nay chưa có mô hình nào được thành lập trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình yêu tiếng khèn, yêu bản sắc văn hóa của dân tộc mình đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn ban đầu”, Hải chia sẻ.

Tâm huyết với chiếc khèn dân tộc và lo lắng một ngày nào đó nét đẹp văn hóa này bị mai một, ông Lý Seo Phổng cũng đã nhận lời truyền dạy tại lớp khèn Mông của CLB khèn Mông Bắc Hà cho thanh, thiếu niên địa phương.

“Học thổi khèn không khó, nhưng để thổi thành bài, thành điệu rất khó, đòi hòi người học phải kiên trì, tập liên tục. Dạy thổi khèn cho các cháu nhỏ cần dạy từ từ và tỉ mỉ từng nốt nhạc, kỹ thuật lấy hơi, rồi mới đến luyện bài…”, ông Phổng chia sẻ.

Với sự quyết tâm của các thành viên, hiện nay, CLB khèn Mông đã dần đi vào hoạt động nền nếp. CLB có hai công việc, đó là mở lớp học khèn và quảng bá văn hóa dân tộc Mông. Đối với mảng dạy học khèn CLB mời các nghệ nhân trong huyện tham gia giảng dạy. Với việc quảng bá văn hóa dân tộc, CLB chú trọng vào việc tham gia biểu diễn tại các lễ hội, các sự kiện trong và ngoài huyện.

“Cách làm này, vừa có thêm thu nhập cho các thành viên, vừa có cơ hội giới thiệu nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế”, Chủ nhiệm CLB Giàng A Hải cho biết.

Băn khoăn lớn nhất của ông Phổng và anh Hải hiện nay đó là, cả huyện Bắc Hà không còn ai biết làm cây khèn Mông, thậm chí đi mua cũng khó. “Nhưng khó mấy cũng phải làm, mình già rồi nếu không làm được, thì con cháu phải phải học bằng được kỹ thuật làm khèn. Chứ bây giờ mình có dạy tốt đến mấy mà không có cây khèn thì cũng chịu; các cháu lấy gì mà tập, lấy gì mà thổi”, ông Phổng quả quyết./.