Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cao Bằng: Thay đổi nếp nghĩ của người dân để “không ai bị bỏ lại phía sau”

Hoàng Phúc - 10:05, 10/12/2022

Cao Bằng là tỉnh miền núi, đời sống kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn, cùng với đó các hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhiều “cặp đôi” nên vợ nên chồng khi mà tuổi đời còn rất trẻ, kéo theo đó là cuộc sống cứ luẩn quẩn trong đói nghèo.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến cuộc sống cứ luẩn quẩn trong đói nghèo
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến cuộc sống cứ luẩn quẩn trong đói nghèo

Nhiều hệ lụy từ những hủ tục

Em Bàn Phụ Và - Hoàng Mùi Chuổng, dân tộc Dao, ở xóm Kéo Noóng, xã Bình Lãng, huyện Thông Nông nên vợ nên chồng khi Và 17 tuổi, còn Chuổng 15 tuổi. Ở cái tuổi bạn cùng trang lứa còn lo học hành, vui chơi thì vợ chồng Và-Chuổng đã phải tự lập, lo toan cuộc sống; kinh nghiệm sản xuất, làm ăn, tư liệu sản xuất thiếu thốn nên hiện, gia đình Và-Chuổng vẫn là hộ nghèo của xóm Kéo Noóng. Đây là trường hợp điển hình cho tình trạng nghèo vì kết hôn sớm trên địa bàn huyện Thông Nông.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Cao Bằng, nhưng chủ yếu là do trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa và các tiến bộ xã hội của đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn thấp. Một nguyên nhân khác làm gia tăng tình trạng tảo hôn, đó là sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, sự du nhập của văn hóa ngoại lai... đã ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, từ đó dẫn đến tảo hôn.

Trong 3 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, học sinh được nghỉ học kéo dài, không có sự quản lý của nhà trường, các em tự do sử dụng điện thoại, kết nối với nhau qua mạng xã hội, dễ nảy sinh tình cảm khác giới, cũng là một nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng tảo hôn. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, tư vấn, can thiệp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chưa đạt hiệu quả cao, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, chưa phù hợp với thực tế. Việc quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để có biện pháp sớm kịp thời ngăn ngừa còn hạn chế.

Trẻ được sinh ra từ cuộc hôn nhân cận huyết dễ mắc các bệnh lý di truyền nguy hiểm
Trẻ được sinh ra từ cuộc hôn nhân cận huyết dễ mắc các bệnh lý di truyền nguy hiểm

Nỗ lực “kìm hãm” sự gia tăng

Trước thực trạng trên, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đề ra 6 giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong đó có việc đôn đốc, chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh và đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền. Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tuyên truyền qua báo, đài địa phương- Trung ương được hơn 100 tin, bài, chuyên đề; xây dựng 10 pa nô, áp phích; 48 cuộc tư vấn, 48 cuộc can thiệp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; 2.526 cuộc tuyên truyền tập trung; số người được tư vấn là 31.098 số người. Mặt khác, chú trọng vấn đề nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 3 hội nghị tập huấn cho 106 đại biểu tại 3 huyện: Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm; phân cấp cho cấp huyện tổ chức tại địa phương, đồng thời trực tiếp chỉ đạo các huyện, thành phố giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các hành vi vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; thực hiện công tác tư vấn, can thiệp nhằm thay đổi hành vi, nhận thức của đồng bào DTTS, giảm thiểu các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

 Theo đó, trong năm 2021, đã thực hiện được 48 vụ can thiệp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (hoãn cưới). Đặc biệt, trong năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 846/KH-BDT ngày 30/8/2022 về thực hiện Tiểu dự án 2 - Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Dự án 9 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức hôn nhân cận huyết, những hệ lụy nghiêm trọng từ kết hôn cùng huyết thống
Cần đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức hôn nhân cận huyết, những hệ lụy nghiêm trọng từ kết hôn cùng huyết thống

Để triển khai Kế hoạch này, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 6 hội nghị tập huấn công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện Thạch An, Trùng Khánh, Hạ Lang, mỗi huyện 2 hội nghị. Xây dựng 2 pa nô với nội dung: "Hãy chung tay ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Bảo Lạc”; phối hợp với báo Cao Bằng xây dựng 1 chuyên trang, 10 tin, bài và phát sóng 8 chuyên đề trên Đài Truyền hình tỉnh Cao Bằng nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong đồng bào DTTS.

Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng phối hợp với Sở Y tế tỉnh tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất; chỉ đạo các huyện tiếp tục duy trì 7 mô hình điểm tại các xã, huyện có nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong giai đoạn 2015-2020 và thực hiện có hiệu quả các nội dung của Tiểu dự án 2.

Theo số liệu thống kê, năm 2020, Cao Bằng có 186 cặp tảo hôn, 7 cặp hôn nhân cận huyết thống; năm 2021, có 258 cặp tảo hôn, 2 cặp hôn nhân cận huyết thống; trong 11 tháng của năm 2022, có 100 cặp tảo hôn. Tình trạng tảo hôn thường diễn ra chủ yếu tại các địa phương có đông đồng bào Mông, Dao, Nùng tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng. Còn hôn nhân cận huyết thống chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, số ít là dân tộc Dao, các dân tộc khác không có.