Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cao Bằng: Bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc

BĐT - 18:09, 22/03/2023

Ngày 22/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội thảo chuyên đề giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp trong quy ước, hương ước các DTTS của tỉnh.

Lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm phát biểu thảo luận tại Hội thảo
Lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm phát biểu thảo luận tại Hội thảo

Cao Bằng là vùng đất cổ nổi tiếng với bề dày lịch sử và giàu truyền thống cách mạng, có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, với hơn 95% là người DTTS. Những năm qua, tỉnh quan tâm triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc hiệu quả. 

Việc xây dựng hương ước, quy ước góp phần không nhỏ trong việc triển khai các quy định của Nhà nước cũng như tạo ra một hành lang pháp lý đến từng làng, bản, xóm, tổ dân phố và dần trở thành thước đo chuẩn mực tạo ra tính tự giác, tự quản trong cộng đồng dân cư. Chỉ tiêu các danh hiệu văn hóa được tăng lên hằng năm. Năm 2020, tỉnh thực hiện sáp nhập đơn vị xóm, tổ dân phố từ 2.487 tổ, xóm sau sáp nhập còn 1.462 tổ, xóm, giảm 1.025 tổ xóm). Sau sáp nhập, ngành Văn hóa, thể thao và du lịch kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng quy ước xóm, tổ dân phổ sau sáp nhập. Đến nay, toàn tỉnh có 1.462/1.462 quy ước xóm, tổ dân phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đạt 100%.

Hát Then - đàn tính là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được nhiều địa phương bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch
Hát Then - đàn tính là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được nhiều địa phương bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch

Nội dung các hương ước, quy ước bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội. Nhiều bản hương ước, quy ước thể hiện được tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư; khôi phục, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của xóm, bản, dòng họ; bài trừ nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín, dị đoan, góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham luận về đánh giá giá trị, thực trạng và đề xuất các giải pháp, định hướng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp trong quy ước, hương ước các DTTS; thực trạng biến đổi của văn hóa truyền thống tác động đến quy ước, hương ước DTTS...

Hội thảo là cơ sở để định hướng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp trong quy ước, hương ước các DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đạo đức, lối sống trong bối cảnh hiện nay, tạo ra một cộng đồng dân cư bền vững và phát triển.