Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cao Bằng: Ðẩy mạnh tuyên truyền ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Hà Như - 11:18, 15/11/2022

Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tuy giảm, nhưng vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sống của đồng bào DTTS. Để giảm thiểu vấn nạn này, các ngành chức năng tỉnh Cao Bằng đã nhiều có giải pháp cụ thể, bước đầu mang lại hiệu quả. Trong đó, tập trung đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong Nhân dân được coi là giải pháp quan trọng.

Chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động đẩy lùi “vấn nạn” tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động đẩy lùi “vấn nạn” tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Nhiều chuyển biến tích cực

Để ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc đã nỗ lực vào cuộc, quyết liệt thực hiện các biện pháp đẩy lùi tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong đó lấy công tác tuyên truyền làm trọng tâm. Theo đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Xuân Trường triển khai nhiều biện pháp phù hợp. Trước hết, xây dựng kế hoạch thành lập đoàn tuyên truyền tại các xóm; phát huy vai trò gương mẫu của Người có uy tín, cùng người dân xây dựng mô hình gia đình, dòng tộc, thôn, xóm không có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Ví dụ như trường hợp gia đình ông, ông Chảo Vần Sâm, xóm Cà Lò, qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, gia đình ông đã hoãn việc tổ chức đám cưới cho con gái với chàng rể chưa đủ 15 tuổi. “Sau khi nghe cán bộ xã và bộ đội biên phòng giải thích rõ những tác hại, hậu quả của việc tảo hôn, hai gia đình chúng tôi đã cam kết dừng đám cưới, đợi con đủ tuổi mới cho lấy nhau”.

Với cách làm này, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.Điển hình như năm 2020, xóm Cà Lò, xã Khánh Xuân còn 3 cặp vợ chồng tảo hôn. Từ năm 2021 đến nay,  không còn xảy ra trường hợp.

Hay ở xã Quang Trung, huyện Hoà An, trước đây, do nhận thức về pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế nên tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra. Tuy nhiên, từ khi Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS của tỉnh Cao Bằng”, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã Quang Trung đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đã không còn.

Ông Nông Thanh Ái, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung, cho biết:“Triển khai thực hiện Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS (năm 2019), xã đã tổ chức tuyên truyền và đề nghị các hộ dân tại các xóm trên địa bàn ký cam kết không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ khi triển khai thực hiện cho các hộ ký cam kết đến giờ chưa có hộ nào vi phạm và chưa có cặp vợ chồng nào vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Chị Nông Thị Hạnh, xóm Pàn Kèng, xã Quang Trung chia sẻ: “Nghe cán bộ tuyên truyền rõ về những hệ lụy của tảo hôn, nên khi tôi đủ 18 tuổi mới lấy chồng, tìm hiểu rõ ràng mới lấy. Khi cưới rồi cũng chỉ đẻ 2 con để có điều kiện nuôi dạy chu đáo".

Tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hoá
Tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hoá

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Theo Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, tại cuộc khảo sát bằng phiếu điều tra năm 2022 đối với cán bộ làm công tác quản lý tại địa phương, do Ban Dân tộc tỉnh thực hiện cho thấy, 100% cán bộ, công chức cấp cơ sở được tiếp cận thông tin về vấn đề tảo hôn; 100% hiểu biết về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, HNCHT trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2016 - 2020”. 

Tỉnh Cao Bằng hiện đang duy trì và triển khai 7 mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao gồm: Xã Tân Việt (nay thuộc xã Nam Quang), huyện Bảo Lâm; xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc; xã Thái Học (nay thuộc xã Vũ Minh), huyện Nguyên Bình; xã Lưu Ngọc, huyện Trà Lĩnh (nay thuộc xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh); xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng; xã Bình Lãng, huyện Thông Nông (nay thuộc xã Thanh Long, huyện Hà Quảng); xã Quang Trung, huyện Hòa An).

Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố; Đài phát thanh Truyền hình tỉnh và Báo Cao Bằng mở các chuyên trang, chuyên mục triển khai các hoạt động truyền thông tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Theo đó, Ban Dân tộc sẽ đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh thiếu niên và địa bàn có nguy cơ về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền xã, thôn; thông tin lưu động, sân khấu hóa, hoạt động ngoại khóa trong các trường học. Đặc biệt, sẽ tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người DTTS, già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động là giải pháp phòng, chống tảo hôn hiệu quả ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động là giải pháp phòng, chống tảo hôn hiệu quả ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cùng với đó, Ban Dân tộc sẽ tham  mưu cho UBND tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là cấp xã; đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn vào hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa; thực hiện có hiệu quả các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; tham mưu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách liên quan đến giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Trong nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, mới đây, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền về tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS. 

Theo thống kê, năm 2020 tỉnh Cao Bằng có 186 cặp tảo hôn, 7 hôn nhân cận huyết thống; năm 2021 toàn tỉnh có 260 cặp tảo hôn; 9 tháng đầu năm 2022 có 59 cặp. Độ tuổi tảo hôn thấp nhất với nữ là 14 tuổi, nam là 15 tuổi diễn ra ở huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng, Hòa An. 

Từ đó, tỉnh đưa ra mục tiêu là giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.