Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cần xử lý nghiêm cán bộ “ỉm” tiền hỗ trợ điện cho người nghèo

Đức Sơn- Hiếu Anh - 09:18, 26/11/2019

Theo thông tin tố cáo của người dân xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn từ năm 2015 đến năm 2017, cán bộ UBND xã đã “ỉm” hơn 100 triệu đồng tiền Nhà nước hỗ trợ điện sinh hoạt cho hộ nghèo. Điều đáng nói, sự việc được người dân phát giác và tố cáo đã lâu, nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

UBND xã Hòa Lạc, nơi xảy ra vụ việc
UBND xã Hòa Lạc, nơi xảy ra vụ việc

“Ỉm” tiền hỗ trợ của dân

Thông tư 190/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, để động viên, hỗ trợ giúp các hộ nghèo vùng nông thôn, Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hằng tháng. Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành là 46.000 đồng/hộ/tháng. Hộ gia đình được chi trả trực tiếp theo hình thức hỗ trợ bằng tiền từng quý. Tại xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng có hơn 200 hộ nghèo thuộc diện thụ hưởng chính sách.

Theo phản ánh của người dân từ trước năm 2015, hằng quý, người dân vẫn đều đặn được nhận tiền hỗ trợ tiền điện theo chính sách ưu tiên nêu trên. Tuy nhiên, từ năm 2015, các hộ nghèo tại xã Hòa Lạc không được nhận tiền hỗ trợ mà không có bất cứ thông báo chính thức nào từ chính quyền xã.

Gần đây, người dân nắm bắt được thông tin các xã khác vẫn được nhận hỗ trợ tiền điện nên mới biết, chính sách ưu tiên chưa bị cắt. Quá bất bình, người dân làm đơn kiến nghị với các ngành chức năng.

“Người nghèo chúng tôi đã vô cùng khó khăn, vất vả. Nhà nước đã động viên bằng việc hỗ trợ tiền điện cho người nghèo vơi bớt khó khăn. Vậy mà cán bộ xã Hòa Lạc lại nỡ lấy tiền của dân nghèo. Đề nghị huyện và tỉnh vào cuộc làm rõ trách nhiệm của xã và làm rõ số tiền đó cán bộ xã mang đi đâu, dùng vào việc gì, để xử lý nghiêm minh…”, một người dân xã Hòa Lạc bức xúc cho biết.

Cần sớm xử lý

Sau khi người dân có đơn, biết không thể “ỉm” được số tiền Nhà nước hỗ trợ, nên đến ngày 24/10/2019 (sau khoảng 4 năm “ỉm” tiền hỗ trợ người nghèo) UBND xã Hòa Lạc mới mời người dân ra để trả số tiền hơn trăm triệu đồng cho các hộ dân nghèo thuộc diện được hỗ trợ.

Một điều đáng bàn là, hành vi “ỉm” tiền của người nghèo đã rất rõ ràng, nhưng đến nay, chính quyền huyện Hữu Lũng chưa có câu trả lời chính thức về việc xử lý trách nhiệm của cán bộ.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển qua điện thoại, ông Long Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, huyện đã nắm được vấn đề và giao cho phòng tài chính thực hiện kiểm tra. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về thời gian có kết qủa kiểm tra thì thì ông Sơn cáo bận và tắt máy.

Còn Luật sư Hoàng Đức Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn, nếu những thông tin người dân cung cấp là chính xác thì hành vi của cán bộ UBND xã Hòa Lạc có thể cấu thành tội phạm tham ô tài sản. Cụ thể Điểm d, Khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào chiếm đoạt tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng bị xử phạt từ 7 năm đến 15 năm tù.

Việc cán bộ UBND xã trả lại tiền cho người dân được thực hiện sau khi bị người dân phát giác, tố cáo chỉ có thể được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Cụ thể Điểm b Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các tình tiết giảm nhẹ như sau: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”.

Có thể nói, trước các ý kiến của người dân, dư luận đề nghị các cơ quan tư pháp của UBND huyện Hữu Lũng cần vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm của cán bộ và xử lý nghiêm minh.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Châu (Sóc Trăng): Tăng cường giám sát và triển khai đồng bộ giáo dục nghề và giải quyết việc làm cho lao động DTTS

Vĩnh Châu (Sóc Trăng): Tăng cường giám sát và triển khai đồng bộ giáo dục nghề và giải quyết việc làm cho lao động DTTS

Tiểu dự án 3 "Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi" Dự án 5, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Để có được kết quả đó, công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện luôn được địa phương thực hiện thường xuyên.