Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cần sớm có giải pháp bảo vệ khu di tích lịch sử văn hóa Đồn bản Mo

PV - 10:17, 11/09/2018

Huyện Phù Yên (Sơn La) có khu di tích lịch sử văn hóa Đồn bản Mo được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh từ năm 2008. Mặc dù được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhưng từ nhiều năm nay, khu di tích hầu như không được quan tâm, bảo vệ, tôn tạo khiến khu di tích trở thành hoang phế...

Đồn bản Mo Du khách muốn thăm quan khu di tích, phải đi qua nhà người dân hoặc phải vào hẳn trong nhà.

Trung tuần tháng 8, chúng tôi trở lại Phù Yên lân la vào những hàng nước bên đường để hỏi về khu di tích lịch sử văn hóa Đồn bản Mo thuộc khối phố 11, thị trấn Phù Yên, hầu như ai cũng biết. Nói về di tích này, người dân trong vùng đều bày tỏ sự lo ngại về tình trạng di tích đang bị xâm chiếm, phá hủy do không có sự quan tâm, bảo vệ của chính quyền địa phương và ngành Văn hóa.

Hiện tại, khu di tích này chỉ còn duy nhất một lô cốt chính nằm trong hệ thống Đồn bản Mo là còn nguyên vẹn. Những lô cốt khác đã bị hư hỏng 80%, có chiếc bị đất đá lấp đi hoàn toàn. Thậm chí, những đường hào, khu hầm từng để chứa hàng của Đồn bản Mo còn bị lấp, trở thành ống thoát nước thải. Một số chỗ trở thành nơi chăn thả gia súc, gia cầm... chỉ có thể nhìn thấy một số đoạn bức tường còn lại không nguyên vẹn bao quanh khu vực Đồn bản Mo.

Cũng bởi trong một thời gian dài, việc nhìn nhận đánh giá về giá trị lịch sử của Đồn bản Mo chưa kịp thời, cộng với tốc độ phát triển dân cư, nhu cầu về đất ở và đất sản xuất nên nhà cửa cùng các công trình phụ trợ khác được xây dựng rất nhiều, xâm lấn hết vào đất của khu di tích. Do đó, nếu khách thăm quan nào muốn trực tiếp vào khu vực này bắt buộc phải đi qua nhà ở của người dân.

Bà Đinh Thị Ngân, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phù Yên, cho biết: Khu vực Đồn bản Mo nằm ở Tiểu khu 3, thị trấn Phù Yên. Các khu vực này trước đây có 16 hộ, nay đã có trên 40 hộ nằm trong đất của di tích. Hộ về đây sinh sống sớm nhất từ năm 1976, bắt đầu từ năm 2000 trở về đây, số hộ dựng nhà cửa ở đây cũng dần tăng lên. Năm 2015, Đoàn công tác của tỉnh đã xuống khảo sát, kiểm kê đánh giá lại di tích, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Huyện mong muốn tỉnh sẽ cắm mốc diện tích còn lại của các lô cốt cụ thể, rõ ràng để huyện có hướng làm nhà và kinh doanh sản xuất.

Trao đổi thêm với bà Đinh Thị Ngân, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện, được biết thêm: 56 năm sau, kể từ khi huyện Phù Yên được giải phóng, đến ngày 4/3/2008, khu vực Đồn bản Mo mới chính thức được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 451 của UBND tỉnh Sơn La. Nếu xét về thời gian thì đến thời điểm đó quả là muộn, bởi toàn bộ hiện trạng của Đồn bản Mo xưa đã không còn nguyện vẹn... Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phù Yên thông tin: Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất đối với thị trấn Phù Yên trong việc bảo vệ khu di tích này là đã có 40 hộ sinh sống trong đất khu di tích. Trong khi huyện đã cấp sổ đỏ cho các hộ và các hộ đã xây nhà cửa, là tường rào. Do đó, về vấn đề quản lý các hộ gia đình này, chúng tôi cũng không thường xuyên đến gặp gỡ trao đổi được, mà chỉ tuyên truyền thông qua các hội nghị để các hộ dân không gây ảnh hưởng thêm đến khu di tích.

Trao đổi với các hộ dân sinh sống tại đây, chúng tôi được biết thêm: Từ ngày Đồn bản Mo được xếp hạng đến nay, nhiều hộ dân khu vực di tích cũng chỉ biết nơi mình ở nằm trong đất của di tích, còn về chủ trương di chuyển dân để tôn tạo như thế nào, diện tích đất của di tích là bao nhiêu thì chưa nắm rõ. Trong khi nhà ở của nhiều hộ dân đã xuống cấp, nhưng dân cũng không dám sửa mà phải cố chờ ngày di chuyển...

Ông Đinh Văn Tuấn, một trong số 40 hộ sinh sống trong khu di tích, băn khoăn: Gia đình tôi về ở đây từ năm 1976, khi đó mới có 7 hộ. Gia đình tôi đã ở trong 2 gian nhà xây bằng gạch tổ ong, mỗi gian rộng chừng 40m2 do Pháp để lại. Đến năm 1984 mới dựng nhà gỗ đang ở và toàn bộ nhà đang ở nằm trên khu vực hầm của di tích. Do dưới hầm ẩm ướt, có nhiều rắn nên gia đình đã bịt lại hết. Để bảo vệ di tích, nếu Nhà nước yêu cầu di chuyển thì chúng tôi sẵn sàng tuân thủ. Bao nhiêu năm nay rồi, chúng tôi chờ xem phương án chuyển dân như nào nhưng vẫn chưa thấy gì.

Nhiều ý kiến cho rằng, đến thời điểm này để khôi phục lại được hiện trạng của di tích lịch sử văn hóa Đồn bản Mo thì đã quá muộn. Tuy nhiên, muộn còn hơn không, bởi nếu không có sự quan tâm và những giải pháp cấp bách để tôn tạo, bảo vệ khu di tích, khẩn trương triển khai di chuyển dân theo kế hoạch thì tương lai không xa, khu di tích lịch sử văn hóa Đồn bản Mo ở huyện Phù Yên sẽ chỉ còn được nhắc tên trên giấy tờ và trong những câu chuyện kể của người già.

QUỐC TUẤN