Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Cần lan tỏa nhiều sáng kiến thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi”

Thanh Huyền - 21:33, 19/04/2023

Đó là ý kiến phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, tại Hội nghị thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ngãi, sáng 19/4, tại tỉnh Quảng Ngãi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Quảng Ngãi trong việc thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Quảng Ngãi trong việc thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi

Tham dự Hội nghị có: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan. Về phía tỉnh Quảng Ngãi có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo Ban Dân tộc của các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên; các doanh nghiệp, HTX...

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, là 1 trong 5 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tỉnh Quảng Ngãi có 13 huyện, thị xã, thành phố. Riêng vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh gồm 61 xã và 8 thôn, thuộc 5 huyện miền núi, là Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây và các huyện đồng bằng: Bình Sơn, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên gần 325.000 ha, chiếm hơn 63% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp hơn 60.000 ha, đất lâm nghiệp hơn 234.000 ha, còn lại là đất ở và đất chuyên dùng. Dân số toàn vùng là hơn 230.000 người. Lực lượng lao động rất dồi dào. Các tuyến giao thông huyết mạch kết nối nội vùng và kết nối với các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Quảng Nam, như: Quốc lộ 24, 24B, 24C, tuyến đường Trường Sơn Đông; đây là vị trí khá thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.

Khu vực miền núi Quảng Ngãi được đánh giá là nơi có nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, quý hiếm, bởi có thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Vùng miền núi Quảng Ngãi là nơi sinh sống của nhiều đồng bào DTTS, có bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 đã xác định 4 hành lang kinh tế và 6 không gian kinh tế động lực. 4 hành lang kinh tế được xác lập và định vị gồm: Hành lang Dung Quất - Tp. Quảng Ngãi - Sa Huỳnh, Ba Tơ - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng, Dung Quất - Trà Bồng - Trà My và hành lang Sa Huỳnh - Ba Tơ - Ba Vì - Kon Tum - Cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum). 6 không gian kinh tế động lực, trong đó, các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ thuộc Khu kinh tế rừng xanh. Nơi đây sẽ hình thành các trung tâm kinh tế miền cao, hướng tới đột phá kinh tế rừng cho Quảng Ngãi. Một phần của huyện Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ nằm trong hành lang Nông nghiệp bền vững. Các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là các địa phương ở khu vực miền núi luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.

Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành của tỉnh. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX đã xác định "đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi” là 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 18/8/2021 về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 4/4/2022 về công tác dân tộc. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 6/5/2022 thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy; ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 28/6/2022 về việc triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG), HĐND tỉnh ban hành 9 Nghị quyết; UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 14 Quyết định; 12 kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án, nội dung thuộc Chương trình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân và các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị liên kết triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân và các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị

Tại Hội nghị các đại biểu đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ngãi; cách thức tổ chức triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ các mô hình, dự án liên kết ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quãng Ngãi...

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Quảng Ngãi trong việc thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi, với mục tiêu giải quyết vấn đề đói nghèo, phát huy tiềm năng lợi thế của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tỉnh đang cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, hướng đến các doanh nghiệp, nhà khoa học, cộng đồng dân cư chung tay hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng đánh giá cao quyết tâm chính trị của tỉnh Quãng Ngãi trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng, các Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung. Đây cũng là kinh nghiệm hay để lan tỏa tới nhiều địa phương trong cả nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân và các đại biểu tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm bên lề Hội nghị
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân và các đại biểu tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm bên lề Hội nghị

Để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc nói chung, Chương trình MTQG nói riêng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh lưu ý, ngoài ngân sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quãng Ngãi phải phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần tự cường, tự vươn lên của người dân. Lựa chọn sản phẩm đặc hữu để phát triển, giúp người dân có thêm thu nhập, phát huy được tính riêng có. Tăng cường liên kết vùng để tạo ra sự phát triển.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm khẳng định, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành cùng chung tay với tỉnh, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để tỉnh triển khai hiệu quả Chương trình MTQG và các chính sách dân tộc khác trên địa bàn.

Chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc tại Hội nghị
Chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân và các đại biểu đã chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị liên kết triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG giữa UBND các huyện miền núi và các doanh nghiệp.

Theo kết quả phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi có 6 xã khu vực I, 3 xã khu vực II và 52 xã khu vực III và 241 thôn đặc biệt khó khăn (gồm 235 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III, 3 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, 1 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I và 2 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã có thôn thuộc vùng DTTS và miền núi); có 2 huyện nghèo là Trà Bồng và Sơn Tây.