Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cần đổi mới công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông

Thúy Hồng - 19:28, 10/12/2021

Sáng 10/12, Vụ Tuyên truyền (Uỷ Ban Dân tộc) đã tổ chức Hội thảo Khoa học về thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Đánh giá hiệu quả công tác truyền thông về công tác dân tộc thời gian qua, ông Trần Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc cho biết, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền chính sách dân tộc đến với đồng bào. Tuy nhiên, đến nay chưa có đề tài tổng thể đánh giá công tác tuyên truyền chính sách dân tộc, do đó Hội thảo khoa học “Thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông” nhằm lấy ý kiến của các cơ quan truyền thông, viện nghiên cứu về vấn đề này để tiếp tục hoàn thiện, định hướng phương thức thông tin, tuyên truyền hiệu quả phục vụ nhiệm vụ chính trị tại vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn thời gian tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận về công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông; đồng thời chia sẻ những khó khăn, hạn chế và đưa ra các giải pháp, mô hình để kết nối, tuyên truyền thông tin hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn tới.

Nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan báo chí cũng đề xuất, bên cạnh nâng cao chất lượng, cũng cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông. Bên cạnh các hình thức truyền thông bằng báo in, truyền hình, phát thanh cần đưa thêm các hình thức khác như chiếu phim, triển lãm, phương thức truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội, internet…Cùng với đó, đưa đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, già làng, trưởng bản, công an, biên phòng… tham gia vào quá trình tuyên truyền cho bà con. 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại nhấn mạnh, đối tượng thụ hưởng kết quả tuyên truyền - truyền thông là cộng đồng các DTTS có những đặc thù về văn hóa, dân trí, ngôn ngữ, tập quán, địa bàn cư trú... nên kết quả nội dung truyền thông về pháp luật, chính sách có những hạn chế, đặc thù, khó khăn nhất định. Đây là vấn đề chi phối việc định hướng cụ thể hóa nội dung và phương pháp truyền thông.

Do vậy, trong công tác tuyên truyền vùng DTTS và miền núi, cần tìm giải pháp khắc phục về rào cản ngôn ngữ; khả năng tiếp thu thông tin; đặc điểm địa hình, kết cấu hạ tầng, điều kiện vật chất... đề triển khai kịp thời hiệu quả. 

Bà Hoàng Thị Thanh, Phó Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển phát biểu tại Hội thảo
Bà Hoàng Thị Thanh, Phó Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển phát biểu tại Hội thảo

19 Báo, Tạp chí theo Quyết định số 45/QĐ-TTg đã “phủ sóng” khá toàn diện cho các thành phần dân cư, dân tộc cũng như chính quyền, các tổ chức chính trị cấp cơ sở... vùng DTTS và miền núi, biên giới vùng đặc biệt khó khăn. Tuy vậy, kênh truyền thông của 19 Báo, Tạp chí chủ yếu là “ấn phẩm", cần có đánh giá tính ưu điểm và hạn chế của kênh truyền thông này để có giải pháp đạt kết quả cao và bền vững cho giai đoạn tới.

Bà Hoàng Thị Thanh, Phó Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển cho rằng: Điều kiện đi lại vùng DTTS và miền núi còn khó khăn trong khi thù lao đối với những chuyến công tác đến vùng này còn quá thấp nên chưa khuyến khích phóng viên đến vùng sâu, vùng xa để phản ánh thông tin, tuyên truyền. 

"Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc cần có những buổi tập huấn, phổ biến kiến thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đặc biệt là trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 để các phóng viên, đơn vị truyền thông tiếp cận sâu hơn, hiểu rõ hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần mạnh dạn tuyển dụng các phóng viên là người DTTS am hiểu về đồng bào DTTS, công tác dân tộc để tuyên truyền về chính sách dân tộc được trúng và đúng” bà Thanh nhấn mạnh.

 Ông Nguyễn Huy Thiêm, Phó Tổng Biên tập Báo Cựu Chiến Binh phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Huy Thiêm, Phó Tổng Biên tập Báo Cựu Chiến Binh phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay cho rằng: Trong giai đoạn mới với sự bùng nổ thông tin, cần có sự thay đổi xu thế đọc báo, thông tin là rất phổ biến, nếu cứ làm báo như hiện nay thì sẽ không theo kịp sự phát triển. Hiện nay đồng bào DTTS đã xem và tiếp cận rất nhiều thông tin trên mạng xã hội, nên cần có phương thức tuyên truyền trên các kênh thông tin của mạng xã hội, Uỷ ban Dân tộc cần có đặt hàng với các cơ quan báo chí về mảng tuyên truyền này.

Tại Hội thảo cũng có nhiều ý kiến đồng thuận rằng, mặc dù hiện nay có nhiều hình thức truyền tải thông tin tuy nhiên, báo giấy vẫn là kênh thông tin hiệu quả trong việc chuyển tải thông tin tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ông Nguyễn Huy Thiêm, Phó Tổng Biên tập Báo Cựu Chiến Binh cho biết: Khi tờ báo được đưa tới tay của đội ngũ Người có uy tín, trưởng bản, cựu chiến binh… họ sẽ chắt lọc thông tin từ đó thông tin tới người dân trong thôn, xóm mang lại hiệu quả tích cực.

Tại Hội thảo, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao các tham luận của các Báo, Tạp chí tại Hội thảo đã có những đóng góp tích cực, nhằm thay đổi mới phương pháp, cách tiếp cận để thực hiện các hoạt động truyền thông ở vùng DTTS và miền núi đạt hiệu quả.

Về phía Vụ Tuyên truyền sẽ tăng cường tổ chức các buổi tập huấn nhằm trao đổi, rà soát, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các Báo, Tạp chí; nâng cao kiến thức, năng lực đội ngũ biên tập viên, phóng viên tham gia sản xuất các ấn phẩm tuyên truyền tới vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.