Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cần định vị thương hiệu Gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế

PV - 09:38, 15/10/2018

Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 5 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 2,5 tỷ USD; 9 tháng đầu năm nay đã đạt xuất khẩu cả năm 2018. Mặc dù, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhiều thứ 3 trên thế giới (sau Ấn Độ và Thái Lan). Tuy nhiên, thương hiệu gạo “Made in Việt Nam” vẫn còn khá mờ nhạt trên thị trường quốc tế.

gạo Việt Nam Thiết bị, công nghệ góp phần nâng cao chất lượng gạo.

Tín hiệu mới cho thương hiệu gạo Việt Nam

Trong Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam được tổ chức mới đây (10/10), ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong những năm qua, Việt Nam luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về xuất khẩu gạo. Hiện nay, dù nhiều quốc gia tham gia xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam vẫn chiếm đến 15% tổng lượng xuất khẩu toàn thế giới. Thị trường cũng mở rộng rất nhiều, nếu trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu được đến vài chục nước, thì nay đã lên đến gần 160 quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, thương hiệu của nước ta vẫn còn mờ nhạt trên thị trường quốc tế. Nhiều sản lượng gạo khi được xuất khẩu lại được đóng bao bì của quốc gia khác nên khi đến người tiêu thụ cuối cùng, họ không biết đó là gạo Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Lương thực Việt Nam cho biết, Việt Nam xuất khẩu gạo gần 30 năm nay, nhưng phải đến ba năm gần đây, chúng ta mới chính thức bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Ðến tháng 7 này, bên cạnh việc công bố lô-gô gạo Việt, các cơ quan chức năng cũng tiến hành các thủ tục bảo hộ quốc tế thương hiệu gạo Việt.

Hiện tại, Việt Nam đã nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu quốc tế sang hệ thống Madrid để được bảo hộ toàn cầu. Như vậy, sắp đến thời điểm lúa gạo Việt Nam có thương hiệu và bộ tiêu chuẩn, điều mà Thái-lan đã làm với gạo thơm Hom Mali từ những năm 1955.

Ông Hermawan Kartajaya, Chủ tịch Hiệp hội Makerting thế giới nhận xét, nguyên nhân gạo Việt Nam chưa có thương hiệu mạnh trên thế giới, là do Việt Nam chưa khám phá ra tính đặc trưng của hạt gạo Việt Nam, làm cho nó trở nên nổi trội và giúp cho người tiêu dùng có thể phân biệt đâu là gạo Việt Nam, đâu là gạo Thái Lan hay Trung Quốc... Có như thế, chúng ta mới đánh đúng vào tâm lý của người tiêu dùng.

Xây dựng thương hiệu bền vững phải làm từ gốc

Theo ông Richard Moore, chuyên gia Thương hiệu thế giới: “Giá gạo liên quan đến chất lượng gạo và phương cách giao hàng. Nâng cao giá trị hạt gạo cần sự đầu tư lớn về tiếp thị, bao bì và bán hàng. Xây dựng thương hiệu hạt gạo từ sản phẩm thông thường khi gắn lên bao bì một thương hiệu là gắn với tạo dựng uy tín và liên hệ với khách hàng trên thị trường”.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, để thương hiệu gạo Việt Nam phát triển bền vững, chúng ta cần phải làm từ gốc, từ vấn đề phát triển sản xuất.

Trước hết, Việt Nam cần tăng cường liên kết người dân với doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp kinh doanh để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm. Chính sách tín dụng cho chuỗi giá trị cũng cần thay đổi phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp vốn thấp, không đủ năng lực đầu tư đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ, không có khả năng dự trữ lâu dài.

Các “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị lúa gạo phải là các doanh nghiệp. Qua đó, Việt Nam cần cho phép thành lập Hiệp hội Sản xuất lúa gạo Việt Nam hay cải cách Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thành một tổ chức thực sự có năng lực đại diện cho ngành sản xuất-kinh doanh lúa gạo. Hiệp hội này có thể bao gồm cả nông dân, HTX và doanh nghiệp nhằm đổi mới tổ chức lại sản xuất, liên kết giữa nông dân, người chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu trong vùng nguyên liệu gắn với kiểm soát chất lượng, điều tiết chia sẻ lợi ích hài hòa và cùng xây dựng thương hiệu chung.

Thương hiệu gạo Việt Nam cần được hiểu, là sự nổi tiếng của gạo Việt Nam trên thị trường, vì vậy sự nổi tiếng này không nhất thiết chỉ dựa trên 1 giống nào đó mà có thể là sự phong phú đa dạng về chất lượng, đáp ứng rộng rãi nhu cầu của người tiêu dùng các nước. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam không chỉ là hình ảnh/biểu tượng và bảo vệ hình ảnh/biểu tượng đó... mà nó còn bao hàm các giá trị về chất lượng sản phẩm (giống), kỹ thuật sản xuất (điều kiện sinh thái, canh tác, chế biến, đóng gói), sự cam kết lâu dài của chủ thương hiệu, thể chế tổ chức trong chuỗi sản xuất và cung ứng... Đây chính là cơ sở để quản trị thương hiệu gạo quốc gia.

HIẾU ANH