Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cần có giải pháp để đồng bào di cư có cuộc sống ổn định, bền vững

PV - 13:19, 16/03/2018

Ngày 14/3, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội có buổi làm việc với một số bộ, ngành liên quan về chính sách di dân, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và chính sách ổn định đời sống sản xuất đối với đồng bào di cư tới các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Nguyễn Lâm Thành chủ trì buổi làm việc. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải; lãnh đạo Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) tham dự buổi làm việc.

Theo báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội, tính đến năm 2017, dân di cư từ các tỉnh vào 5 tỉnh Tây Nguyên là 59.228 hộ/218.632 khẩu; đến năm 2017, trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên đã xây dựng 81 dự án thủy lợi, thủy điện thuộc 15/19 tỉnh. Các dự án này đều phải thực hiện giải phóng mặt bằng, đền bù, di rời, tái định cư. Tổng số dân phải di rời, tái định cư gần 30.000 hộ/gần 130.000 khẩu.

hứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu tại buổi làm việc. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu tại buổi làm việc.

 

Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc Quốc hội nhận thấy: Ủy ban nhân dân các tỉnh đã chỉ đạo sát sao các ngành, các cấp nghiêm túc thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân ảnh hưởng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Khẩn trương triển khai các quy định về trình tự đầu tư, xây dựng, thống kê, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tại các dự án, dân di cư được hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi…

Tuy nhiên, một số chính sách tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất để xây dựng các công trình thủy điện chưa thống nhất; mức bồi thường, hỗ trợ khác nhau giữa các dự án. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong việc quy hoạch, bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư có lúc có nơi thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Đa số người dân sau di rời, tái định cư vẫn có cuộc sống khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định….

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích chỉ rõ đặc điểm tình hình, những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện chính sách và thống nhất kiến nghị tăng cường công tác giám sát và khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về quy hoạch, bồi thường di dân và tái định cư đối với các công trình thủy điện, thủy lợi trên cả nước. Từ đó có giải pháp nhằm đảm bảo được phát triển kinh tế gắn với đảm bảo môi trường và đời sống của nhân dân vùng dự án. Có giải pháp quy hoạch, lập dự án, di chuyển ổn định cuộc sống cho người dân di cư….

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải khẳng định, đời sống của đồng bào di cư rất khó khăn. Tình trạng thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất đang là những thách thức không nhỏ. Điều này nếu không giải quyết tốt sẽ tích tụ tạo nên những mâu thuẫn xã hội. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho rằng, cần có giải pháp tổng thể đối với dân di cư cho cả 5 tỉnh Tây Nguyên. Chính sách cần tạo sự cân bằng, giải quyết tận gốc. Cần tổ chức Hội nghị về vấn đề di dân cấp độ Chính phủ để có giải pháp giải quyết triệt để căn cơ, lâu dài. Chính phủ phải có biện pháp bố trí đủ nguồn lực trong vấn đề di dân.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Nguyễn Lâm Thành ghi nhận những ý kiến xác đáng, tích cực của các đại biểu và cho rằng cuộc họp là dịp để các bộ, ngành cùng chia sẻ thông tin, thống nhất cách tiếp cận, giải quyết vấn đề. Bức tranh di cư cần được đánh giá, nhìn theo quy luật tự nhiên nhất. Các chính sách đã thực hiện nhiều, nhưng thiếu nguồn lực, nhiều nội dung chưa phù hợp, một số bất cập sẽ kiến nghị điều chỉnh trong thời gian tới để đồng bào di cư có cuộc sống ổn định, bền vững.

THANH HUYỀN