Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cần có chính sách để phát triển năng lượng bền vững

PV - 08:50, 13/12/2018

Những tháng đầu năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải thực hiện cắt điện luân phiên. Cảnh báo này được EVN đưa ra trong bối cảnh nguồn nhiên liệu than để chạy các nhà máy nhiệt điện bị thiếu hụt trầm trọng. Ở phương diện khác, hàng triệu tấn tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện vẫn đang là mối đe dọa ô nhiễm môi trường, chưa có phương án xử lý triệt để.

Than không phải là tài nguyên vô tận. (Ảnh minh họa) Than không phải là tài nguyên vô tận. (Ảnh minh họa)

“Ăn đong” vì thiếu than

Hiện đang vào mùa khô, điện sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) sẽ được huy động tối đa lên hệ thống. Tuy nhiên, do thiếu hụt nhiên liệu than cám, một số NMNĐ đang đứng trước nguy cơ phải tạm dừng sản xuất; hoặc phải “ăn đong” bằng cách luân phiên chạy các tổ máy.

NMNĐ Quảng Ninh là một ví dụ. Năm 2018, Nhà máy này được giao kế hoạch sản lượng điện thương phẩm là 6,423 tỷ kWh. Để hoàn thành chỉ tiêu này thì NMNĐ Quảng Ninh cần khoảng 3,5-3,6 triệu tấn than. Tuy nhiên, do Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cấp không đủ than nên từ tháng 8/2018 đến nay, NMNĐ Quảng Ninh luôn trong tình trạng phải hoạt động cầm chừng.

Theo báo cáo của NMNĐ Quảng Ninh gửi Bộ Công Thương, việc tạm dừng 2 tổ máy khiến Nhà máy này mất khoảng 10 triệu kWh/ngày, tương đương hụt thu hơn 13 tỷ đồng/ngày. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012, NMNĐ Quảng Ninh rơi vào tình cảnh thiếu than cho sản xuất.

Thiếu nhiên liệu nên phải “ăn đong” cũng là “gia cảnh” của NMNĐ Hải Phòng, NMNĐ Thái Bình. Trong tháng 11/2018, NMNĐ Hải Phòng chỉ được cấp 130.803 tấn than, hụt rất nhiều so với nhu cầu tiêu thụ là 205.579 tấn. Còn với NMNĐ Thái Bình, từ ngày 17/11 đã bị ngừng cấp than, đồng nghĩa với việc dừng hoạt động.

Trên thực tế, không chỉ năm 2018 mà những năm trước đó, các NMNĐ không thể hoạt động hết công suất do nguồn nhiên liệu chính là than luôn bị thiếu hụt. Theo số liệu của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 23 NMNĐ than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm. Trong khi đó, năng lực theo giấy phép khai thác của TKV chỉ đạt 36-37 triệu tấn than/năm để cung cấp cho các NMNĐ hoạt động.

Nhưng đó là trên giấy phép, còn thực tế sản lượng than cám mà TKV khai thác cung cấp cho các NMNĐ thấp hơn nhiều. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2018, sản lượng than của TKV chỉ đạt 29,6 triệu tấn; dù tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2017 nhưng cũng không thể đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho các NMNĐ.

Thiếu than vẫn quyết làm nhiệt điện!

Cùng với việc nguồn nhiên liệu “thiếu trước hụt sau” thì các NMNĐ đang đau đầu với bài toán xử lý lượng tro, xỉ phát sinh. Theo tính toán của Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), trung bình để sản xuất ra 1kWh điện sử dụng nhiên liệu than cám sẽ thải ra từ 0,9-1,5kg tro, xỉ; hằng năm 23 NMNĐ than đang vận hành sẽ thải ra khoảng 12,2 triệu tấn tro, xỉ.

Từ nhiều năm nay, Đề án tái sử dụng tro, xỉ phát sinh từ các NMNĐ để làm phụ gia cho bê tông, xi măng, vữa xây dựng, gạch không nung,… đã được khởi động. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Công Thương, bình quân mỗi năm chỉ có 4/12,2 triệu tấn tro, xỉ được tái sử dụng; còn lại vẫn tồn đọng. Đã có nhiều đề nghị đổ thải xuống biển từ các NMNĐ, nhưng gặp sự phản ứng gay gắt trong dư luận vì sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường.

“Đầu vào” (nguồn cung than) lẫn “đầu ra” (tro, xỉ phát sinh) đang thực sự bế tắc cho sự phát triển của nhiệt điện than. Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện VII đã được phê duyệt, nhiệt điện than sẽ vẫn là mũi nhọn của ngành điện.

Cụ thể, dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ có thêm 12 NMNĐ được đưa vào hoạt động, nâng tổng công suất nhiệt điện than lên thành 24.370 MW, chiếm tỷ lệ 46% lượng điện quốc gia. Đến năm 2030, tỷ lệ nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ lệ 55,7% lượng điện quốc gia.

Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII, tỷ lệ năng lượng tái tạo chỉ góp một phần rất nhỏ cho lượng điện quốc gia, theo xu hướng giảm dần. Cụ thể, đến năm 2020, năng lượng tái tạo chỉ chiếm tỷ lệ 4,7% lượng điện quốc gia; đến năm 2030 giảm xuống còn 3,8%. Điều này rõ ràng đang đi ngược lại xu thế sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo của ngành năng lượng thế giới.

Theo Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) Nguyễn Văn Vy, xu hướng trong ngành năng lượng thế giới là phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường. Đó là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối; ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới vào sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo ở quy mô công nghiệp; thúc đẩy các dự án kinh doanh sử dụng năng lượng tái tạo…

Trước thực trạng nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, thiết nghĩ các nhà hoạch định cần có hướng đi mới trong việc đẩy mạnh nghiên cứu và khai thác các nguồn năng lượng mới có nhiều tiềm năng để giải quyết các bài toán về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Để làm được điều này, chúng ta phải có định hướng chính sách năng lượng quốc gia có tầm nhìn dài hạn, không thể cứ mãi trong tình trạng “ăn đong” như hiện nay.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Trong 2 ngày 19 và 20/12, Phòng Dân tộc thị xã Ayun Pa (UBND thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS năm 2024.