Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cần cân đối và ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng động lực, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng DTTS

Minh Thu - 18:41, 09/11/2021

Thảo luận tại hội trường về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước (NSNN), các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ. Đồng thời, có nhiều ý kiến đóng góp về các giải pháp phát triển KT-XH năm 2022 và những năm tiếp theo.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 9/11
Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 9/11

Theo đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn Hậu Giang, Chính phủ cần xây dựng chương trình tổng thể công tác phòng, chống dịch Covid-19, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực cả về con người, vật chất, bảo đảm phục vụ tốt cho công tác phòng, chống dịch, nhất là khâu điều trị. Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tình hình của dịch bệnh để trục lợi. Tiếp tục rà soát, bổ sung các văn bản pháp luật, các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Còn theo đại biểu Vũ Tuấn Anh, Đoàn Phú Thọ, để bảo đảm thực hiện mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện; sớm ban hành quy định về nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn của 3 chương trình MTQG. Đồng thời, cần có quy định thời hạn cụ thể mà Chính phủ phải hoàn thành việc phân bổ vốn các chương trình MTQG cho từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, đề nghị Quốc hội quyết định phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo tổng số như đề xuất của Chính phủ. Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo rà soát lại chỉ ra quy hoạch vốn năm 2022 cho các dự án đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công và phải giao đúng thời hạn quy định, tức là trước ngày 31/12/2021.

Đại biểu Lý Thị Lan phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường
Đại biểu Lý Thị Lan phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường

Đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận, đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Đoàn Bình Thuận cho rằng: Qua việc triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ về phòng, chống dịch và phát triển KT-XH cho thấy những khó khăn, hạn chế cần được đánh giá sâu sắc hơn về ảnh hưởng tác động của đại dịch Covid-19 trên các khía cạnh thể chất, tâm lý, tinh thần, lao động, việc làm, thu nhập, cơ hội tiếp cận bình đẳng đối với giáo dục và đào tạo, cơ hội tiếp cận với các gói hỗ trợ và những mong muốn của người dân sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhất là đối với đối tượng yếu thế, trong đó có đồng bào DTTS, phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật.

Cần khắc phục tình trạng chính sách được ban hành nhiều, nhưng không bảo đảm về nguồn lực, chậm hướng dẫn thực hiện, thiếu sự phối hợp của các cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện chính sách. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và có những biện pháp căn cơ hơn để giúp các địa phương phát triển đủ sức chống chọi lâu dài với dịch bệnh Covid-19.

Cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản triển khai thực hiện chương trình MTQG, trong đó có sự điều chỉnh nguồn lực thực hiện chương trình phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, bảo đảm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện triển khai chương trình.

Đồng quan điểm với đại biểu Bố Thị Xuân Linh, đại biểu Leo Thị Lịch, Đoàn Bắc Giang cho rằng, để kịp thời triển khai các dự án đầu tư công 3 chương trình MTQG, đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ chuyển nguồn 16.000 tỷ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương của 3 chương trình trên sang năm 2022, đồng thời cho phép Chính phủ ban hành cơ chế cấp vốn toàn bộ đối với nguồn vốn ODA để triển khai chương trình cho các địa phương phụ thuộc từ 90% ngân sách Trung ương trở lên.

Đại biểu Leo Thị Lịch phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường
Đại biểu Leo Thị Lịch phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường

Theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, đây là một đề nghị hợp lý, mong Quốc hội đồng ý chấp thuận, bởi nhu cầu nguồn lực đầu tư cho phát triển KT-XH vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là rất lớn so với khả năng đáp ứng ngân sách của Trung ương. Nghị quyết số 88 và Nghị quyết 120 của Quốc hội khóa XIV đã giao cho Chính phủ có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA để bổ sung nguồn lực cho việc thực hiện chương trình. Song đặc thù hầu hết các địa phương thụ hưởng chương trình là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi rất khó khăn về ngân sách, phải phụ thuộc chủ yếu vào vốn hỗ trợ và nguồn hỗ trợ ngân sách của Trung ương.

Trước mắt trong năm 2022, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc đã bị trì hoãn, triển khai chậm như vấn đề nhà ở, nước sinh hoạt. Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho địa bàn khó khăn, vùng DTTS theo đúng tinh thần Nghị quyết 120. Đồng thời tập trung triển khai giải ngân các dự án đầu tư công hết kế hoạch đầu tư năm 2021 chuyển sang và các dự án thuộc năm 2022. Vì công việc của nguồn vốn cả 2 năm dồn lại khối lượng rất lớn. Nếu không tranh thủ thời gian, điều kiện vốn sẵn và dự án sẵn có của năm 2021 chuyển sang để làm sớm thì rất khó hoàn thành mục tiêu giai đoạn 1 và cho giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lý Thị Lan, Đoàn Hà Giang cho rằng, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 cần phải đặt trong tổng thể kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Chính phủ cần đẩy nhanh lập quy hoạch vùng, phê duyệt quy hoạch tỉnh, chú trọng tính liên kết vùng, định hướng phát triển kinh tế các vùng trọng điểm, phối hợp đa ngành các lĩnh vực tiềm năng, lợi thế khu vực, liên kết vùng tiêu thụ sản phẩm.

Cần cơ cấu lại đầu tư công, trong đó nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, tập trung đầu tư cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm. Cần cân đối và ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ nguồn NSNN cho các vùng động lực, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Đề nghị Chính phủ tập trung và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện 3 chương trình MTQG, bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả và tính cấp bách của chương trình để người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng bảo đảm sinh kế, có việc làm ổn định, yên tâm sinh sống và sản xuất tại quê hương mình, nhất là đối với những lao động di chuyển từ các khu công nghiệp trở về quê hương do dịch bệnh.