Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cải thiện dinh dưỡng cho đồng bào dân tộc Khmer

Phương Nghi - 15:12, 12/05/2020

Được sự quan tâm của ngành Nông nghiệp, 36 hộ nông dân tại 3 ấp: Trà Sất A, Trà Sất B, ấp Chợ, xã Long Hiệp (huyện Trà Cú, Trà Vinh) đã tham gia vào Dự án nông nghiệp dinh dưỡng trong đồng bào dân tộc Khmer. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo nền tảng để người dân duy trì, mở rộng và phát triển sản xuất, cải thiện chế độ dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ em và cả người lớn.

Cải thiện dinh dưỡng cho đồng bào dân tộc Khmer

Chị Thạch Thị Ngọc Minh ở ấp Trà Sất A có 3 người con. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, kinh tế phụ thuộc vào công việc làm thuê của chồng, thu nhập bấp bênh. Chị Minh tham gia Dự án với mô hình nuôi gà và được các cán bộ hướng dẫn chăm sóc đàn gà cẩn thận. Đến nay, đàn gà (duy trì lứa thứ 2) đang phát triển khỏe mạnh. Chị Minh cho biết: “Trước nay, tui cũng chưa có kinh nghiệm nuôi gà, nhờ được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn cẩn thận nên đàn gà nhà nuôi đang phát triển khỏe mạnh. Nay, lứa gà thứ hai đã lớn rồi, tui có thể xuất bán để có thêm thu nhập. Hôm nào thiếu tiền mua thức ăn, tui có sẵn gà nuôi để làm thịt, cải thiện bữa ăn của gia đình”.

Được biết, trước đây, nhiều hộ nông dân ở xã Long Hiệp không biết nuôi gà hoặc chưa từng nuôi số lượng lớn. Nay, qua mô hình nuôi gà, các hộ đã biết chăn nuôi theo kỹ thuật, tiêm chủng vắc xin, thuốc điều trị bệnh tính toán được lợi nhuận trong chăn nuôi. Đây có thể xem là một hướng đi mới cho đồng bào Khmer nghèo tại địa phương để có thêm thu nhập, cải thiện bữa ăn.

Ông Hà Phước Hưởng, Chủ tịch UBND xã Long Hiệp cho biết: “Quá trình thực hiện Dự án nông nghiệp dinh dưỡng trong đồng bào Khmer cho thấy, mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp gắn liền với cải thiện chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Đồng thời, tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân. Bước đầu, các hộ dân tham gia mô hình đã tận dụng đất vườn xung quanh nhà để bố trí trồng rau xanh bổ sung thức ăn cho bữa ăn hằng ngày. Các hộ dân tham gia sản xuất theo hướng kinh tế tập thể, không còn hộ gia đình thiếu nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đã giảm xuống dưới 3%”.

Ông Phạm Thanh Tiếng, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Dự án nông nghiệp dinh dưỡng về mô hình nuôi gà thịt và trồng rau xanh hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với cải thiện chế độ dinh dưỡng cho người dân và trẻ em vùng đồng bào dân tộc khó khăn. Mô hình từng bước tạo thói quen ăn rau xanh, nhận biết nhu cầu dinh dưỡng chống còi xương cho trẻ em đồng bào Khmer khó khăn tại Trà Vinh. Từ đó, tạo nền tảng để người dân tự duy trì thói quen và mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt, mang lại lợi ích kinh tế rất thiết thực cho những hộ nghèo nơi đây.

Dự án nông nghiệp dinh dưỡng về mô hình nuôi gà thịt và trồng rau xanh hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với cải thiện chế độ dinh dưỡng cho người dân và trẻ em vùng đồng bào dân tộc khó khăn”.

Ông Phạm Thanh Tiếng, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Trà Vinh