Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cách xử lý nguồn nước bị ô nhiễm trong và sau lũ lụt

Phạm Tiến - 14:38, 29/09/2023

Liên tiếp những ngày gần đây, nhiều địa phương ở tỉnh Nghệ An xảy ra mưa lớn, có nơi ngập cục bộ. Đặc biệt là nhiều công trình nước tự chảy vùng đồng bào DTTS, nước giếng, nước bể phục vụ sinh hoạt hàng ngày bị nhiễm bẩn do lũ tràn vào. Do đó, cần có cách để xử lý nước trước khi đưa vào sinh hoạt để tránh dịch bệnh sau lũ.

Khung cảnh bị ngập lụt ở huyện vùng cao Quỳ Châu, Nghệ An sau 2 ngày mưa lớn (26-27/9)
Khung cảnh bị ngập lụt ở huyện vùng cao Quỳ Châu, Nghệ An sau 2 ngày mưa lớn (26-27/9)

Trong mưa lũ, nguồn nước thường kèm theo xác súc vật chết, các loại chất thải….Đặc biệt ở các khe suối, nơi có công trình nước tự chảy phục vụ sinh hoạt cho đồng bào DTTS nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Do đó, người dân ở những vùng bị ảnh hưởng lũ lụt rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, các bệnh lý da liễu, cảm lạnh, cúm và sốt xuất huyết…

Để chủ động phòng tránh dịch bệnh, người dân cần phải đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh. Tuyệt đối chấp hành chế độ ăn chín và uống sôi. Đặc biệt, sau khi nước lũ rút, cần có các biện pháp xử lý nguồn nước để phòng tránh dịch bệnh sau lũ.

Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Thúy Ngân-Trưởng Khoa Sức khỏe môi trường, Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An nêu rõ: khi thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

(bài thời sự): Cách xử lý nguồn nước bị ôi nhiễm trong và sau lũ lụt ở Nghệ An 1
Cán bộ Y tế hướng dẫn bà con, đồng bào cách xử lý nước đảm bảo vệ sinh sau lũ rút

Bác sĩ Ngân cho biết thêm, với công đoạn làm trong nước giếng: Mọi người có thể dùng phèn chua (loại thường dùng là phèn nhôm) với liều lượng 50g/1 mét khối nước. Nếu nước đục nhiều, có thể cho lượng phèn tối đa tới 100g/1 mét khối nước. Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gàu múc nước hay xô nước, tưới đều dung dịch vào trong lòng giếng nước. Thả gàu múc nước chìm sâu xuống giếng, kéo mạnh gàu lên khoảng 10 lần rồi để yên khoảng 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết, sau đó tiếp tục tiến hành khử trùng.

(bài thời sự): Cách xử lý nguồn nước bị ôi nhiễm trong và sau lũ lụt ở Nghệ An 2
Nhiều công trình nước tự chảy vùng đồng bào DTTS bị hư hỏng sau lũ

Về khử trùng nước giếng: Nước giếng bị nhiễm bẩn do lũ lụt về nguyên tắc cơ bản sau khi khử trùng phải có nồng độ chlor thừa là 0,5 mg đến 1 mg trong 1 lít nước. Tính lượng chloramin B cần thiết cho giếng nước trên cơ sở nồng độ cần thiết là 10g/1 mét khối nước. Cũng có thể dùng một số hóa chất khác như chlorure vôi 20% (13g/1 mét khối nước) hoặc chlorure vôi 70% (4g/1 mét khối nước).

Với nước giếng khoan: Cách xử lý nước giếng khoan đơn giản hơn. Người dân cần bơm hết nước đục và bơm tiếp tục khoảng 15 phút để loại bỏ nước có khả năng bị nhiễm bẩn. Sau đó có thể sử dụng được nguồn nước giếng khoan. Mọi người cần chú ý làm vệ sinh sạch sẽ bơm nước và sàn nền giếng khoan.

(bài thời sự): Cách xử lý nguồn nước bị ôi nhiễm trong và sau lũ lụt ở Nghệ An 3
Sau lũ để có nguồn nước đảm bảo vệ sinh sử dụng, đồng bào cần thau rửa và vệ sinh bể đầu nguồn ở những công trình nước tự chảy

Đối với công trình nước tự chảy vùng đồng bào DTTS, trước hết bà con cần kiểm tra và làm vệ sinh vùng đầu nguồn cấp nước. Nếu có xác động vật chết cần chôn lấp để bảo vệ sinh. Phần đất đá và cây cối trôi dạt cần được khơi thông để lấy nguồn cấp đảm bảo vệ sinh. Sau đó, thau rửa bể chứa và đường ống dẫn nước để loại bỏ phần nước lũ không hợp vệ sinh tràn vào. Tuy nhiên để sử dụng, bà con cần xả nước ra các dụng cụ như lu, phi, bồn….để lắng cặn. Dùng phèn chua với liều lượng với liều lượng 50g/1 mét khối nước để lắng trong. Phần khử khuẩn, bà con cần dùng hóa chất chẳng hạn như chlorure vôi 20% (13g/1 mét khối nước) hoặc chlorure vôi 70% (4g/1 mét khối nước)…

Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS không thể mua được hóa chất, đồng bào có thế dùng vải bông, than để lọc nước. Tuy nhiên, bà con cần phải đun sôi trước khi sử dụng để hạn chế dịch bệnh sau lũ.