Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cách phòng, tránh những tác hại của ánh nắng mặt trời bạn cần biết

T.Hợp - 09:30, 13/04/2022

Ánh nắng mặt trời có thể gây ra những tác hại rất lớn tới sức khỏe con người như: sốc nhiệt, kiệt sức, ung thư da… Để hiểu hơn về những tác hại của ánh nắng mặt trời đối với sức khỏe con người chúng ta cần lưu ý đến một số điểm sau.

Cách phòng, tránh tác hại của ánh nắng mặt trời bạn cần biết. Ảnh minh hoạ
Cách phòng, tránh tác hại của ánh nắng mặt trời bạn cần biết. Ảnh minh hoạ

Ánh sáng buổi sáng sớm rất tốt cho sức khỏe, chúng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, giúp cơ thể tăng khả năng hấp thụ canxi và vận chuyển canxi. Bạn nên phơi nắng khoảng 15 phút vào lúc sáng sớm, thực hiện ba lần/tuần là đủ để hấp thu lượng tia cực tím cần thiết cho việc sản xuất vitamin D. Tuy nhiên, chúng ta không được lạm dụng. Nếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá nhiều, chúng ta có thể sẽ gặp những triệu chứng như: cảm nắng, hỏng mắt, bỏng da, cứng và khô da, làm da sần sùi, sạm da và đặc biệt là làm tăng khả năng bị ung thư da... 

Những dấu hiệu thường gặp khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời

Lão hóa da: Đa số chứng lão hóa sớm xảy ra do làn da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời quá nhiều mà không được bảo vệ đúng cách. Những dấu hiệu chứng tỏ làn da bị lão hóa sớm đó là tàn nhang, đồi mồi, sạm da, nám, mặt sần sùi, xuất hiện nếp nhăn và da chảy xệ.

Cháy nắng: Cháy nắng là một trong những tác động tiêu cực phổ biến nhất của ánh nắng đối với da. Ánh sáng tia cực tím là nguyên nhân gây cháy nắng, những triệu chứng thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 4 – 5 giờ. Các triệu chứng chung của cháy nắng như da bị đỏ, đau, sưng, hoặc một số biểu hiện giống bệnh cúm như buồn nôn, sốt, ớn lạnh hoặc nhức đầu… Nếu biểu hiện sốt do cháy nắng xuất hiện, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được theo dõi.

Da phát ban: Phát ban da thường xảy ra trong thời tiết nóng ẩm, da nổi lên các cụm đỏ của mụn nước và thường xuất hiện trong nếp gấp da, nếp gấp khuỷu tay, háng hoặc trên cổ và ngực trên. Để giảm tình trạng phát ban do nhiệt chỉ cần thay đổi sang môi trường mát mẻ để ngăn ngừa mồ hôi, giữ cho vùng da được khô thoáng. Tránh không dùng các loại thuốc dạng kem.

Sốc nhiệt: Nếu kiệt sức do nóng không được điều trị, nó có thể dẫn đến sốc nhiệt, có thể đe dọa tính mạng. Sốc nhiệt làm cho nhiệt độ cơ thể tăng lên nhanh chóng và có thể đạt tới 41 độ C trong 10 đến 15 phút. Khi bị sốc nhiệt cần sự chăm sóc y tế ngay lập tức vì nếu nó không được điều trị, nó có thể gây tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn.

Ung thư da: Ung thư da có thể xuất hiện trên da nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời. Như chứng dầy sừng quang hóa là một thương tổn tiền ung thư và vùng da này có khả năng phát triển thành ung thư.

Tổn thương mắt: Việc tiếp xúc lâu dài với ánh sáng cực tím từ ánh nắng mặt trời có thể làm hỏng võng mạc (phía sau mắt, nơi các thanh và hình nón tạo ra hình ảnh, sau đó được gửi đến các trung tâm thị giác trong não). Tia UV cũng là một yếu tố trong sự phát triển của đục thủy tinh thể.

Kiệt sức: Kiệt sức vì nóng là phản ứng của cơ thể đối với việc mất nước và muối quá mức, thường là do đổ mồ hôi nhiều. Các triệu chứng kiệt sức vì nóng thường gặp như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, đuối sức, cáu gắt, khát, nhiệt độ cơ thể tăng… Các triệu chứng sốc nhiệt mê sảng, mất ý thức (hôn mê), da nóng, khô hoặc đổ mồ hôi nhiều, động kinh.

Các biện pháp phòng, tránh những tác hại của ánh nắng mặt trời

Bạn nên hạn chế ra ngoài khi trời nắng (trong thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều), đây là lúc các tia nắng mặt trời mạnh nhất. Mặc quần áo dài, đội mũ rộng vành, đeo kính, khẩu trang… khi ra ngoài. Tránh mặc quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt.

Sử dụng các sản phẩm kem chống nắng lên các phần cơ thể và mặt tiếp xúc với ánh nắng như là một phần của qui trình chăm sóc da hàng ngày. Chỉ số chống nắng (SPF) càng cao, bảo vệ da càng tốt. Ít nhất hãy sử dụng loại kem chống nắng có độ SPF 30.

Bạn cần bảo vệ mắt bằng cách đeo kính râm, tốt nhất nên chọn loại kính có thể chống được các tia UV để bảo vệ mắt.

Ngoài ra vào mùa hè, để tăng cường sức đề kháng hiệu quả cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn; nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, sữa chua, sữa tươi…

Đồng thòi thường xuyên kiểm tra sức khỏe của làn da. Nếu có bất cứ những thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc của da hoặc xuất hiện những vết bớt, nốt ruồi và đốm bất thường trên da, bạn cần tìm đến các cơ sở y tế để thăm khám./.