Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cách ly… nhưng không cách lòng!

Thiên An - 17:26, 12/08/2021

Một trải nghiệm không mong muốn nhưng cũng đầy thú vị là cảm nhận của những người đã và đang thực hiện cách ly ở Trung đoàn 244, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây được xem như “ngôi nhà lớn” để mọi người cùng nhau đồng lòng, chung sức phòng, chống dịch Covid-19.


Các công dân tại khu cách ly Trung đoàn 244 được kiểm tra sức khỏe 2 lần/ngày
Các công dân tại khu cách ly Trung đoàn 244 được kiểm tra sức khỏe 2 lần/ngày

Khu cách ly tập trung tại Trung đoàn 244, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh được thiết lập vào đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở nhiều nước trên thế giới và có những ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam. Từ đó đến nay, khu cách ly này đã tiếp nhận trên 3.600 lượt người, trong đó đã thực hiện hết thời gian cách ly là 3.495 người.

Ngay từ những ngày đầu được thiết lập, Lãnh đạo Trung đoàn 244 đã tổ chức quán triệt cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ  nội dung về tầm quan trọng của nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch thực hiện với những nội dung cụ thể. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng nhanh chóng được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo tốt mọi điều kiện phục vụ công dân cách ly.

Trở về quê hương, sau hơn 13 năm xa xứ, chị Nguyễn Thị Vân, quê ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), rất hoang mang khi xuống sân bay không được gặp người thân, gia đình. Chị phải vào khu cách ly tập trung trong thời hạn 21 ngày.

Chị Vân chia sẻ, để chuẩn bị cho hành trình đặc biệt này, chị đã tìm hiểu khá kỹ các quy trình, quy định nghiêm ngặt sẽ phải thực hiện khi về nước. Việc phải vào khu cách ly tập trung là điều khiến chị lo lắng. 

Bởi trên mạng xã hội, mọi người chia sẻ khá nhiều những trải nghiệm trong khu cách ly, như: Nóng bức, đồ ăn không ngon... Chị ở Hàn Quốc lâu năm nên nghe vậy cũng khá hoảng, không biết mình có chịu đựng nổi không. 

Nhưng khi đặt chân đến khu cách ly tập trung, Trung đoàn 244, cuộc sống nơi này lại khác xa với những gì chị Vân mường tượng. Và chỉ sau thời gian ngắn những bất an, lo lắng trước đó của chị đã hoàn toàn biến mất.

Trên chuyến bay chở chị Nguyễn Thị Vân có tổng số 142 người về cách ly tại Trung đoàn 244 thì có 24 trẻ em, cháu nhỏ nhất mới 8 tháng tuổi. Điều này khiến cán bộ chiến sĩ nơi đây cũng khá bất ngờ.

Ngay từ khi đoàn công dân của chuyến bay về đến Trung đoàn 244, Thiếu tá Bùi Minh Khoa, Chủ nhiệm Hậu cần, đã trực tiếp chỉ đạo các lực lượng phối hợp triển khai những quy định, thủ tục một cách nhanh chóng. Đơn vị tạo điều kiện cho các cháu nhỏ có thời gian nghỉ ngơi, tránh mệt mỏi, kiệt sức. 

Sau khi kiểm tra sơ bộ sức khỏe, đoàn được chia làm 2 tốp ở tại 2 khu nhà tách biệt dành riêng cho nam, nữ. Mỗi phòng có 3 - 4 người với đầy đủ điều kiện sinh hoạt, tiện ích cần thiết, kể cả wifi. Và số điện thoại nhân viên phục vụ cũng được niêm yết cẩn thận để hỗ trợ công dân 24/24h.

Bà Hoàng Thị Bích (quê Hà Tĩnh) - người ở cùng phòng với chị Vân chia sẻ: “Cháu tôi còn nhỏ nên phải ăn cháo. Tôi cứ nghĩ trong khu cách ly không chuẩn bị được, thế mà vào đây có đầy đủ. Các anh nuôi còn thay đổi đa dạng các loại cháo, nên cháu ăn uống bình thường như ở nhà. Đặc biệt, nếu thiếu hay cần mua gì, mọi người ở đây đều giúp chúng tôi rất nhiệt tình”.

Đồ ăn tại khu cách ly Trung đoàn 244 luôn đảm bảo dinh dưỡng
Đồ ăn tại khu cách ly Trung đoàn 244 luôn đảm bảo dinh dưỡng

Thượng tá Phạm Văn Nam, Chính ủy Trung đoàn 244, cho biết, nhiều công dân khi mới đến khu cách ly rất hoang mang, lo lắng. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài như hiện nay, lo lắng đó là có cơ sở. 

Hiểu được tâm tư của người dân, Trung đoàn đã xác định rõ quan điểm: Cách ly nhưng không cách lòng. Trong quá trình thực hiện cách ly tập trung tại đơn vị, công dân sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về phòng, chống dịch. Song cũng thường xuyên được cán bộ, chiến sĩ, nhân viên quan tâm hỗ trợ kịp thời.

Theo Thượng tá Phan Văn Nam, nhiều công dân khi mới vào đây chưa thực sự chấp hành, chia sẻ với điều kiện của đơn vị, còn đòi hỏi về cơ sở vật chất, cũng như điều kiện sinh hoạt cao hơn, còn gọi điện nhờ chuyển đồ ăn từ ngoài vào… Trung đoàn đã cử cán bộ vận động, tuyên truyền có tình, có lý để công dân hiểu, từ đó chấp hành nghiêm túc trong thời gian cách ly. 

"Cũng có trường hợp cha, mẹ mất, đơn vị linh động lập ban thờ ở phòng kế bên để công dân có cơ hội được bái vọng thân sinh. Những trường hợp khó khăn về kinh tế thì đơn vị đứng lên quyên góp cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ kinh phí và tiền xe trở về quê nhà”, Thượng tá Phạm Văn Nam chia sẻ.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)