Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Các vụ vi phạm liên quan động vật hoang dã liên tục gia tăng

NA - 09:22, 12/07/2022

Tình trạng động vật hoang dã bị mua bán, vận chuyển tràn lan khiến nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Để hạn chế tình trạng này, cần tăng cường các chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm, đồng thời tăng cường công truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã.

Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Yók Đôn giải cứu một con mang bị dính bẫy. Ảnh: Quang Yên.
Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Yók Đôn giải cứu một con mang bị dính bẫy. Ảnh: Quang Yên.

Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong quý I năm 2022, đơn vị này đã ghi nhận 808 vụ vi phạm về mua bán, vận chuyển động vật hoang dã. Trong đó, 46 vụ vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã quy mô lớn; 588 vụ quảng cáo và bán lẻ động vật hoang dã; 164 vụ tàng trữ, nuôi nhốt động vật hoang dã.

Tỉnh Đắk Lắk là một trong những điểm nóng về tình trạng mua, bán lẻ các sản phẩm ngà voi. Với đặc thù là nơi phân bố của quần thể voi lớn nhất của Việt Nam và thường tổ chức các hoạt động du lịch gắn liền với voi. Do đó, khách du lịch Việt Nam và châu Á có xu hướng mua bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi tại đây mà không biết đến những hậu quả pháp lý đáng tiếc có thể xảy ra nếu thực hiện hoạt động này.

Trong 5 năm trở lại đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các ngành bắt giữ và xử lý 144 vụ vi phạm các quy định về săn bắn, mua bán trái phép động vật rừng tịch thu 197 cá thể, trọng lượng 949 kg. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, xử lý 5 vụ vi phạm động vật rừng, trong đó tịch thu 17 cá thể động vật rừng, trọng lượng 63 kg.

Trong những năm gần đây, số lượng các vụ án hình sự có đối tượng bị bắt giữ vẫn tiếp tục gia tăng, tỷ lệ số vụ án được đưa ra xét xử cũng đạt ở mức đáng kể. Đặc biệt, một số đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép đã phải đối mặt với những hình phạt thích đáng, đáp ứng được mục tiêu răn đe và phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã.

Đơn cử, ngày 3/3/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã đưa ra xét xử đối tượng Nguyễn Văn Hiền (trú tại xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) và tuyên phạt đối tượng 7 năm tù giam về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trước đó, ngày 27/1/2022, Tòa án nhân dân huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) tuyên phạt đối tượng Trần Văn Ngọc (trú tại xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei) với mức án 10 năm tù về hành vi vận chuyển trái phép 63 cá thể rùa đầu to. Trước đó ngày 18/6/2021, lực lượng công an đã phát hiện và tịch thu 63 cá thể rùa đầu to, với tổng khối lượng 19,6 kg, được cất giấu trong tám túi lưới cước trên một xe bán tải do đối tượng Trần Văn Ngọc điều khiển. Tất cả số lượng động vật hoang dã này đã được chuyển giao tới Vườn quốc gia Chư Mom Ray để cứu hộ và chăm sóc. 

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết, để bảo vệ động vật hoang dã, đơn vị đã thực hiện các công tác truyền thông như liên kết với các kênh thông tin, truyền thông tại địa phương; làm trên 60 phim ngắn tuyên truyền; thành lập đường giây nóng bảo vệ động vật hoang dã; phối hợp với các công ty du lịch, điểm du lịch đặt các pano, áp phích tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã; thành lập câu lạc bộ tình nguyện viên ENV Buôn Ma Thuột để góp phần ngăn chặn cộng đồng không sử dụng các sản phẩm từ ngà voi, động vật hoang dã khác…

Năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 3.700 vụ việc vi phạm liên quan động vật hoang dã. Trong đó, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã chiếm tới 2.594 vụ việc, tiếp theo là gần 1.000 vụ việc liên quan tàng trữ, nuôi nhốt trái phép và hơn 180 vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã. Trong số các loài động vật hoang dã bị quảng cáo trên các phương tiện thông tin, buôn bán, nuôi nhốt trái phép gồm: ngà voi (566 vụ), hổ (551 vụ), gấu (546 vụ), khỉ (267 vụ) và 70 vụ việc liên quan tê tê.