Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Các tỉnh miền Trung: Vừa phòng chống, vừa khắc phục hậu quả mưa lũ

Thanh Hải - 22:21, 19/10/2020

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa nâng mức cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai ở miền Trung lên cấp độ 4. Đây được xem là đợt thảm họa thiên tai chưa từng thấy ở khu vực này. Trước diễn biến thời tiết bất thường, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu khẩn trương tập trung mọi nguồn lực ứng phó với sự cố thiên tai ở miền Trung.

“Rốn lũ” xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) bị nhấn chìm sâu trong nước lũ kinh hoàng. Ảnh CTV
“Rốn lũ” xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) bị nhấn chìm sâu trong nước lũ kinh hoàng. Ảnh CTV

Nỗi đau thấu trời!

Gần 1 tháng nay, mưa lũ đặc biệt lớn kéo dài nhiều ngày trên diện rộng đã gây ngập lụt sâu, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại một số địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhất là tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình và Quảng Trị. Miền Trung đang trải qua đợt thảm họa thiên tai chưa từng thấy khi nước lũ đã vượt đỉnh lịch sử hơn 40 năm trước. Mực nước trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đã tương đương và cao hơn mức lũ lịch sử năm 1979.

Nhìn từ trên cao, các tỉnh miền Trung đang ngập chìm trong biển nước đục ngầu. Giữa mênh mông nước, giữa mịt mù làn mưa trắng, chỉ còn thấy những nóc nhà nhấp nhô theo từng cơn sóng.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ ngày 6 đến hết ngày 19/10, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã làm 102 người chết, 26 người mất tích, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập và hư hỏng, sập đổ; nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập lụt, thiệt hại...

Địa bàn thiệt hại rải khắp 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên làm 12 tuyến quốc lộ, hơn 17.400m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng; trong đó, nặng nề nhất là Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Nam.

Thiệt hại tại các tỉnh miền Trung do mưa lũ đầu tháng 10 đến nay là chưa thể đo đếm. Nhưng nhìn từ hiện trạng khi hàng trăm ngàn hộ dân, hàng trăm trường học, công sở, làng xóm, chợ, cây cối, hoa màu… ngập chìm trong nước lũ nhiều ngày; hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, nhiều cầu cống bị sạt lở, cuốn trôi… thì thiệt hại là một con số không hề nhỏ.

Tập trung mọi nguồn lực ứng phó với lũ lụt

Thời tiết vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại các tỉnh miền Trung khi mưa vẫn tiếp tục dội xuống, thủy điện tiếp tục xả lũ, nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn. Hiện nay, áp thấp nhiệt đới đang hình thành trên khu vực Biển Đông, lượng mưa được dự báo từ mưa to đến rất to tại một số khu vực.

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vượt lũ hỗ trợ lương thực cho người dân xã Tân Ninh. Ảnh TL
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vượt lũ hỗ trợ lương thực cho người dân xã Tân Ninh. Ảnh TL

Hiện tại, chính quyền và lực lượng chức năng các tỉnh miền Trung đang vừa phòng chống, vừa khắc phục hậu quả mưa lũ. Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thông tin: Tỉnh đã phân công nhiều đoàn xuống các địa phương và các vùng ngập nặng để di dời dân. Hiện nay, một lượng lớn lương thực, thực phẩm, nhiên liệu đã được tỉnh tập kết nhằm ứng phó và hỗ trợ Nhân dân khi có tình huống cần đến. “Chúng tôi đã đặt ra nhiều tình huống, biện pháp để chỉ đạo đối với địa bàn miền núi như Tuyên Hóa, Minh Hóa, bởi đây là vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét rất cao. Do tình hình khẩn cấp nên mỗi người, mỗi nhà phải chống lũ theo phương châm "4 tại chỗ”, ông Phong nhấn mạnh.

Huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) cũng là địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở, lũ quét đe dọa cuộc sống người dân. Hiện nay, đã có 271 hộ dân với 1.386 hộ dân tại các xã Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam… đã được huyện sơ tán đến nơi an toàn. Tất cả các lực lượng bộ đội, công an, dân quân… đã được huy động túc trực, chốt chặn tại các vị trí xung yếu. Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An) trăn trở: Thời gian qua, trên địa bàn đã có mưa, nước sông và khe suối đã dâng cao, các ngọn núi đã thấm no nước nên nguy cơ sạt lở rất lớn. Chúng tôi lo nhất là ban đêm, lũ quét và sạt lở đất sẽ không kịp trở tay.

Trước thiệt hại nặng nề do mưa lũ tại miền Trung, ngày 16/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn công tác đi kiểm tra tình hình ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại 3 tỉnh Thừa Thiên- Huế, Quảng Bình, Quảng Trị.

Tại các địa phương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu chính quyền và lực lượng chức năng cần tập trung khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường nắm chắc tình hình và có phương án bảo đảm đời sống của người dân, tuyệt đối không để bà con bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước sạch do mưa lũ. Ngay sau lũ lụt, cần nhanh chóng ổn định tình hình, nhất là đối với các trường học và bệnh viện để bảo đảm việc học tập của con em, chăm lo sức khỏe cho Nhân dân.

Chiều ngày 18/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1411/CĐ-TTg, chỉ đạo tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, để hạn chế thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương tập trung mọi nguồn lực, phương tiện để cứu hộ cứu nạn. Đặc biệt phải sớm khắc phục nhanh sự cố sạt lở đất tại Rào Trăng 3 (Thừa Thiên- Huế) và Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 (Quảng Trị).