Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Các tỉnh miền núi phía Bắc đề phòng lũ quét, sạt lở đất, giảm thiểu tối đa thiệt hại

Cát Tường - 14:59, 08/07/2022

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 21h30 ngày 7/7 đến 2h30 ngày 8/7, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20 - 40 mm, có nơi trên 80 mm. Các tỉnh miền núi phía Bắc đề phòng lũ quét, sạt lở đất, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Các tỉnh miền núi phía Bắc đề phòng lũ quét, sạt lở đất
Các tỉnh miền núi phía Bắc đề phòng lũ quét, sạt lở đất

Cảnh báo: Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất từ cao đến rất cao tại các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu); Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tủa Chùa, Tuần Giáo (Điện Biên); Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Sông Mã, Vân Hồ, Phù Yên (Sơn La); Cao Phong, Kim Bôi, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Đà Bắc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn (Hòa Bình); Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Thắng, Bảo Yên (Lào Cai); Văn Chấn (Yên Bái); Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quang Bình (Hà Giang); Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Hà Quảng, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Thạch An (Cao Bằng); Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan, Lộc Bình (Lạng Sơn); Hải Hà, Tp. Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Ba Chẽ, Tp. Cẩm Phả, Tp. Hạ Long, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt có thể xảy ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, Nhân dân để chủ động phòng tránh. Các địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

Các tỉnh, thành phố sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Các địa phương thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, hệ thống đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ thủy lợi và trọng điểm đê điều xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.