Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Các tỉnh Duyên hải miền Trung: Chủ động phòng ngừa bệnh bạch hầu

Lê Phương - 09:47, 04/08/2020

Tuy chưa phát hiện ca bệnh nào nhưng vì nằm giáp ranh các tỉnh như Đăk Lăk, Gia Lai... là những địa phương đang xảy ra dịch bệnh bạch hầu, nên UBND các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã chỉ đạo ngành Y tế và các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa; tập huấn cán bộ y tế giám sát, chẩn đoán, điều trị và đẩy mạnh tiêm chủng cho trẻ để phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.

Ngành Y tế Phú Yên tổ chức tiêm văc xin và tuyên truyền phòng, chống bệnh bạch hầu tại các xã vùng sâu, vùng xa
Ngành Y tế Phú Yên tổ chức tiêm văc xin và tuyên truyền phòng, chống bệnh bạch hầu tại các xã vùng sâu, vùng xa

Xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên là xã giáp ranh với xã Cư Króa, huyện M’Đrăk, tỉnh Đăk Lăk, địa phương đã có bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Theo chỉ đạo của Trung tâm Y tế huyện, hằng ngày, Trạm Y tế xã Sông Hinh tổ chức tiêm phòng cho trẻ đến lịch, khám bệnh cho người dân, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn mọi người dân cách nhận biết, các biểu hiện của bệnh và cách phòng ngừa bệnh bạch hầu.

Bác sĩ Đào Phi Long, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh cho biết, ngoài việc tăng cường truyền thông tại các xã giáp ranh với khu vực Tây Nguyên như xã Sông Hinh, xã Ea Ly, ngành Y tế huyện Sông Hinh đã chủ động thực hiện phương án ứng phó với trường hợp có ghi nhận người mắc bệnh bạch hầu. 

“Ngay khi có thông tin về dịch bệnh bạch hầu đang diễn ra ở Tây Nguyên, UBND huyện đã yêu cầu Trung tâm Y tế phải chỉ đạo các trạm y tế xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; lên lịch tiêm lại cho các cháu bỏ mũi. Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư y tế, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh nếu có”, ông Long thông tin.

Tại Khánh Hòa, hơn 10 năm nay không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu nào. Thế nhưng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này ở Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh, ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt chú trọng ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. 

Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, các cơ sở y tế đã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng. Ở vùng sâu, vùng xa, các cơ sở y tế đều chủ động đến từng nhà vận động, tuyên truyền để người dân đưa trẻ đến tiêm chủng đủ liều, đúng lịch, bảo đảm tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đạt kết quả cao nhất. 

Còn tại Bình Định, bác sĩ Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định cho biết, Sở đã yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu; cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. 

Tỉnh Bình Định đã bố trí khu vực riêng điều trị bệnh bạch hầu, thực hiện tốt công tác phòng chống nhiễm khuẩn tại đơn vị, không để lây nhiễm chéo sang những người mắc bệnh khác. Xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, lập kế hoạch tổ chức tiêm đầy đủ văc xin phòng, chống bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng. 

“Tiếp tục rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ văc xin phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tổ chức tiêm bổ sung văc xin phòng bệnh bạch hầu, bảo đảm cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn, đặc biệt tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế”, bác sĩ Hùng cho biết thêm.