Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Các“ điểm tựa” vững chắc của đồng bào khu vực biên giới biển Sóc Trăng

Như Tâm - 05:56, 22/11/2023

Thời gian qua, Người có uy tín, các gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới (KVBG) biển của tỉnh Sóc Trăng, đã phát huy vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung và thực hiện tốt chính sách dân tộc nói riêng. Các vị luôn gương mẫu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, chức sắc tôn giáo là Người có uy tín nhân dịp đón Lễ Sen Dolta 2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng các vị sư, chức sắc tôn giáo là Người có uy tín nhân dịp đón Lễ Sen Dolta 2023

"Gánh" việc công nơi phum sóc

Năm 2023, toàn tỉnh Sóc Trăng có 606 Người có uy tín, gồm: 2 trưởng dòng họ, 23 trưởng ấp, khóm, 80 cán bộ hưu, 188 chức sắc tôn giáo, 14 thầy cúng, 2 nhân sĩ, trí thức, 65 người sản xuất, kinh doanh giỏi, 232 người thuộc thành phần khác.

Tỉnh Sóc Trăng có bờ biển dài 72km, với 03 cửa sông lớn là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh đổ ra Biển Đông. Khu vực biên giới biển Sóc Trăng thuộc huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu gồm có 11 xã, phường, thị trấn, có 83 khóm, ấp với dân số trên 200.000 người (chiếm hơn 15% dân số toàn tỉnh), bao gồm 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa sinh sống.

Cùng với việc đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, Người có uy tín còn nêu gương sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; lao động cần cù, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng trang trại, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, giúp nhau trong sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình và cộng đồng; phát huy tốt tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo.

 Đặc biệt, các vị chức sắc, sư sãi là Người có uy tín đã không ngừng vận động đồng bào Phật tự sống “tốt đời đẹp đạo”. Điển hình như Hòa thượng Thạch Huôn là đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016, Phó Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước (ĐKSSYN) tỉnh Sóc Trăng, Chi hội trưởng Chi Hội ĐKSSYN thị xã Vĩnh Châu, trụ trì chùa Prey Chóp, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu. 

Phát huy vai trò là Người có uy tín trong cộng đồng, Hòa thượng Thạch Huôn tích cực, cùng với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể địa phương, Đồn Biên phòng Lai Hòa, tuyên truyền, vận động Nhân dân cũng như các phật tử thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vận động đồng bào hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, tổ chức lớp học tiếng Khmer cho trẻ em KVBG biển...; Đối với Hòa thường, người có tôn giáo hay không cũng phải làm tốt trách nhiệm của 1 công dân. Từ đó, ngoài việc hướng phật tử sống “tốt đời, đẹp đạo”, Hoà thượng còn trực tiếp đến từng phum sóc xem hoàn cảnh gia đình của từng phật tử, để kịp thời có hướng giúp đỡ.

Ông Ngô Hùng, Bí thư thị xã Vĩnh Vĩnh Châu ghi nhận, Người có uy tín trong đồng bào DTTS là một lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, các vị còn là “điểm tựa” vững chắc cho đồng bào trong phum sóc.

BĐBP Sóc Trăng đến thăm Hòa thượng Thạch Huôn, Phó Hội trưởng Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng, Chi hội trưởng Chi Hội ĐKSSYN Thị xã Vĩnh Châu, trụ trì chùa Prey Chóp (xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) nhân dịp Lễ Sene Dolta năm 2023
BĐBP Sóc Trăng đến thăm Hòa thượng Thạch Huôn, Phó Hội trưởng Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng, Chi hội trưởng Chi Hội ĐKSSYN Thị xã Vĩnh Châu, trụ trì chùa Prey Chóp (xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) nhân dịp Lễ Sene Dolta năm 2023

Người có uy tín đóng góp xây dựng quê hương

Trong 5 năm qua (2017 - 2022), Người có uy tín tỉnh Sóc Trăng đã vận động Nhân dân, mạnh thường quân đóng góp xây dựng nông thôn mới trên 74 tỷ đồng để xây 234 cây cầu nông thôn, xây mới và sửa chữa 131 căn, xây trên 5km đường lộ nông thôn, khoan 20 giếng nước...; đóng góp cho sự nghiệp giáo dục trên 454 tỷ đồng gồm: Mở 597 lớp dạy chữ Khmer, Pali tại các điểm chùa, trao 690.806 học bổng, tặng trên 13.000 tập viết, trao 13.216 xe đạp.

 Cùng với đó, đóng góp an sinh xã hội trên 129 tỷ đồng như: Phát 379.690 phần quà, khám và phát thuốc miễn phí cho 15.228 lượt người; đưa 1.571 người mổ mắt, hỗ trợ cho 2.315 lượt người điều trị bệnh, tặng 208 chiếc xe lăn - xe lắc, cấp 1.042 áo quan, phát 1.460.000 suất cơm, cháo miễn phí tại các bệnh viện; phát trên 200 tấn gạo…

Ngoài Hòa thượng Thạch Huôn vận động đồng bào phật tử hiến 16.500 m2 đất ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa để chính quyền địa phương xây trường học. Hàng năm vào dịp hè, Hoà thượng vận động các chùa Khmer tổ chức hàng chục lớp dạy tiếng Khmer.  Còn có  sư cô Thích nữ Tâm Liên, người sáng lập đồng thời là Trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu Như (phường 2, thị xã Vĩnh Châu), trong 5 năm qua, đã vận động mạnh thường quân gần 100 tỷ đồng giúp người nghèo xây nhà, lo mai táng, giúp người khiếm thị có thu nhập bằng mô hình se nhang, giúp đỡ học sinh nghèo…

Ông Dương Sà Kha, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh Sóc Trăng luôn xác định, việc phát huy hiệu quả vai trò của Người có uy tín, là nội dung quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước.

 Do đó, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp trong tỉnh luôn chủ động, lập kế hoạch, chương trình tiến hành thường xuyên, liên tục, nhằm phát huy mạnh mẽ mặt tích cực vai trò của các vị. Thông qua đó, vận động đồng bào DTTS hiểu rõ và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. 

“Với đặc thù tỉnh có đông đồng bào Khmer, việc phát huy vai trò Người có uy tín vùng DTTS nói chung và KVBG nói riêng đối với các vị sư sãi, chức sắc đã thể hiện rõ vai trò tôn giáo đồng hành cùng dân tộc. Các vị đều là thành viên Hội Đoàn đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp, vừa là Người có uy tín được bầu chọn trong phum sóc nên các vị đã cống hiến cho xã hội toàn tâm toàn lực”, ông Dương Sà Kha ghi nhận.