Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Các cấp hội phụ nữ có rất nhiều sáng kiến vì cộng đồng, xã hội

PV - 17:09, 30/09/2022

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027" (Đề án 938) và Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939), do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, sáng 30/9.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các cấp hội phụ nữ cần tăng cường tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến tri thức về những vấn đề thiết thực với chị em phụ nữ qua nhiều hình thức đa dạng - Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các cấp hội phụ nữ cần tăng cường tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến tri thức về những vấn đề thiết thực với chị em phụ nữ qua nhiều hình thức đa dạng - Ảnh: VGP/Đình Nam

Sau 5 năm triển khai thực hiện, hai Đề án đã giúp cho các cấp hội phụ nữ và các ngành liên quan từng bước giải quyết được mục tiêu tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; lan tỏa tinh thần quốc gia khởi nghiệp tới được đông đảo phụ nữ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi, thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: Phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng…

Trong quá trình thực hiện Đề án 938, các cấp hội phụ nữ vừa phát huy nội lực, vừa tham vấn chuyên gia, vừa phát huy sự phối hợp với các cơ quan chức năng đã giúp việc lên tiếng và tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em có kết quả cụ thể hơn, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Nhiều mô hình tổ phản ứng nhanh, hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ đã được thành lập, công tác phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái với các cơ quan tố tụng.

Qua đó, hơn 7 triệu phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình; hơn 31 nghìn vụ việc về bạo lực gia đình, bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em do phụ nữ thông báo/tố giác; gần 6.000 vụ việc được các cấp hội phụ nữ lên tiếng, tham gia giải quyết; hơn 6.000 cuộc giám sát, 27 đề tài, đề án, 282 chính sách về vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em được các cấp hội phụ nữ đề xuất…

Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thông qua các cuộc thi, hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, tư vấn, cố vấn giữa những doanh nhân thành công, những chuyên gia... giúp chị em có thêm kiến thức, kỹ năng, sự tự tin, mạnh dạn để phát triển hoạt động kinh doanh, sản xuất của mình; đồng thời lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.

Đặc biệt, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp có các ý kiến phản biện xã hội có chất lượng đối với dự thảo các văn bản chính sách, luật pháp liên quan đến thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế.

Trong 5 năm qua, đã có trên 74 nghìn ý tưởng kinh doanh của phụ nữ được đề xuất hỗ trợ; trên 63.000 phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; gần 5.000 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý được thành lập; hơn 50.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn; hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ kết nối vay vốn với tổng số vốn trên 316 tỷ đồng.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga tặng hoa cho các cá nhân tiêu biểu trong thực hiện hai Đề án 938, 939 - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga tặng hoa cho các cá nhân tiêu biểu trong thực hiện hai Đề án 938, 939 - Ảnh: VGP

Sau 5 năm thực hiện, Đề án 938 đã có 5/6 chỉ tiêu đạt và vượt ở mức cao; 4/5 mục tiêu của Đề án 939 hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch. Các cấp hội phụ nữ đã luôn thể hiện tinh thần chủ động đổi mới, kết nối với nhiều nguồn lực đa dạng, ứng dụng ngày càng hiệu quả hơn công nghệ số.

Bên cạnh đó, các ý kiến tại hội nghị cũng nêu thực tế nhiều tỉnh/thành phố vẫn xem các Đề án là hoạt động của riêng hội phụ nữ nên chưa có sự đầu tư thoả đáng cho việc thực hiện Đề án, không cấp ngân sách hoặc cấp rất ít để triển khai hoạt động, có những địa phương chưa triển khai Đề án một cách hiệu quả.

Nhiều cấp hội phụ nữ vẫn chưa chủ động, quyết liệt trong việc phát hiện, lên tiếng, hỗ trợ và tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em.

Việc phát huy vai trò điều phối, tổ chức thực hiện Đề án của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp còn chưa rõ nét, thiếu tính chủ động.

Số lượng các doanh nghiệp do phụ nữ thành lập mới trong 3 năm gần đây còn khiêm tốn, mới đạt được 50,7% so với mục tiêu đề ra (100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới được thành lập được hỗ trợ phát triển doanh nghiệp); chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu tự động để thu thập được kịp thời các số liệu về phụ nữ khởi nghiệp, doanh nghiệp do nữ làm chủ, các phản hồi, đề xuất của phụ nữ/doanh nghiệp nữ tại địa phương về các chính sách hiện hành và dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

Ghi nhận và biểu dương những kết quả bước đầu của hai Đề án, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định các cấp hội phụ nữ luôn có rất nhiều sáng kiến, hoạt động vì cộng đồng, xã hội.

Đơn cử, trong những thời điểm rất khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chị em phụ nữ đã xuất hiện ở tuyến đầu chống dịch; tham gia phân loại, đóng gói, vận chuyển lương thực, thực phẩm cho người dân ở vùng giãn cách xã hội; tổ chức bếp ăn từ thiện; vận động người thân tiêm vaccine phòng COVID-19…

"Đóng góp của hai Đề án 938, 939 cũng như các chương trình, đề án của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, không thể thiếu được trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua. Các cấp hội phụ nữ rất tích cực, sáng tạo trong thực hiện hai Đề án; hình thành cách làm hiệu quả đối với từng nhiệm vụ để tiếp tục triển khai trong thời gian tới", Phó Thủ tướng chia sẻ.

Theo Phó Thủ tướng, bài học kinh nghiệm rút ra qua 5 năm thực hiện hai Đề án là cần phối hợp, kết hợp thật nhuần nhuyễn giữa mục tiêu của hai Đề án với các chương trình, đề án khác; các bộ, ngành cần coi những nhiệm vụ của hai Đề án là nhiệm vụ của mình để tăng cường nguồn lực thực hiện.

Các cấp hội phụ nữ cần tăng cường tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến tri thức về những vấn đề thiết thực với chị em phụ nữ qua nhiều hình thức đa dạng (từ sinh hoạt đoàn thể, văn hoá, panô, áp phích), đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả hơn nữa…, tập trung vào các nhóm yếu thế, thiệt thòi.

"Để có các giải pháp tuyên truyền hiệu quả, thiết thực thì phải rất nỗ lực, sáng tạo, kiên trì từng bước thật chắc chắn", Phó Thủ tướng lưu ý và mong muốn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục đồng hành với ngành giáo dục, các địa phương để chăm lo tốt hơn cho giáo dục, nhất là bậc mầm non, tiểu học, tại những vùng có nhiều cơ sở công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ cần quan tâm hơn nữa đến sức khoẻ tâm thần của chị em, nhất là sau những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Đánh giá về những kết quả tích cực của hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Phó Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển theo hướng xanh, bền vững, có tính xã hội, gắn kết với cộng đồng.