Với nguyện vọng của các vị chức sắc, đông đảo phật tử hệ phái Nam tông Khmer, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức Họp mặt mừng Chôl Chnăm Thmây tại Chùa Khmer Đại diện cho chức sắc tôn giáo hệ phái Nam tông Khmer có Hòa thượng Thạch Hà, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước (ĐKSSYN) tỉnh Cà Mau, Trụ trì chùa Monivongsa Bopharam, các vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức trong Ban Thường trực Hội ĐKSSYN tỉnh, cùng 200 đại biểu là cán bộ công chức, viên chức, người lao động là dân tộc Khmer.
Toàn tỉnh Cà Mau có 21 thành phần DTTS, với trên 12.000 hộ, gần 48.000 người; số đồng bào DTTS đông nhất của tỉnh là dân tộc Khmer, với gần 10.000 hộ, khoảng 40.000 người. Đồng bào dân tộc Khmer sống đan xen với nhau ở hầu hết các xã, phường, thị trấn, tập trung nhiều tại khu vực nông thôn, với hơn 9.000 hộ. Các chương trình, dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc, các hộ nghèo người DTTS được thụ hưởng các chế độ chính sách ưu đãi luôn phấn khởi, an tâm lao động, phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đời sống của hầu hết các hộ đồng bào Khmer từng bước được nâng lên; hiện toàn tỉnh chỉ còn 463 hộ Khmer nghèo. Riêng trong năm 2024 đã có 329 hộ thoát nghèo, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc đã giảm 2,57%...
Các đại biểu tham dự họp mặt thực hiện nghi thức thắp hương lễ phật Ôn lại ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer tại buổi họp mặt, Hòa thượng Thạch Hà, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội ĐKSSYN tỉnh Cà Mau, Trụ trì chùa Monivongsa Bopharam cho biết, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer mang ý nghĩa là đón mừng năm mới, mừng thêm một tuổi, tương tự như Tết Nguyên đán của người Kinh, với hy vọng năm mới đến sẽ đem lại những điều may mắn. Ngoài ra, Tết Chôl Chnăm Thmây còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa tới. Tết được diễn ra vào những ngày trung tuần tháng 4 dương lịch (tháng 3 âm lịch), không cố định ngày, hằng năm đều do các nhà thiên văn bói toán ấn định, tính theo vòng quay trái đất quanh mặt trời trong một năm sẽ định ra được ngày, giờ cụ thể trong năm đó.
Hòa thượng Thạch Hà cho biết thêm, Chôl Chnăm Thmây nghĩa là tết cổ truyền của người Khmer là một trong những ngày tết rất quan trọng được chia làm 3 ngày, năm nay diễn ra trong 3 ngày (14,15, 16 tháng 4 dương lịch). Ngày đầu tiên, có tên gọi là Song Kran, khi chư tiên chuẩn bị xuống trần gian cũng là thời khắc giao thừa, người khmer chuẩn bị mâm ngũ quả để đón chư thiên Tê-vê-đa hoặc mang theo lễ vật, nhang đèn vào chùa làm lễ, đồng thời diễu hành 3 vòng xung quanh ngôi chánh điện để chào đón Tê-vê-đa với hy vọng được ban phước trong năm mới. Tối đến sẽ tổ chức các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như hát kịch, hát Dù kê, Rô băm, Rom vong...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau tặng hoa chúc mừng Tết cổ truyền đến Hội ĐKSSYN tỉnhNgày tết thứ hai, có tên gọi là Wan-na-bot, mọi người cùng nhau bày tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang thực phẩm đến dâng cho chư tăng, đáp lại các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống ấm no đầy đủ. Buổi chiều theo nghi thức, mọi người làm lễ đắp núi cát puôn-panum-khsach ngay tại khuôn viên chùa để mong gặp được điều lành.
Ngày tết thứ 3, có tên gọi là Lơn-sắk, còn gọi là ngày lễ tắm phật, các nhà sư dùng những cành hoa vẫy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng phật trong làn khói hương, người khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong trời phật phù hộ cho dân làng được dồi dào sức khỏe, công việc đồng áng tốt tươi và được mùa, cầu cho mưa thuận, gió hòa. Ngày này cũng là ngày làm lễ cầu siêu để tưởng nhớ người đã khuất và cầu nguyện chân thành cho sự yên nghỉ linh hồn. Chúc mừng ông bà, cha mẹ và dâng bánh tạ ơn, cũng có khi họ tổ chức lễ tắm cho ông bà, cha mẹ, tượng trưng cho sự báo hiếu cho ông bà và cha mẹ mình.
Hòa thượng Thạch Hà, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội ĐKSSYN tỉnh, Trụ trì chùa Monivongsa Bopharam phát biểu tại buổi họp mặtPhát biểu tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cà Mau Huỳnh Ngọc Sang cho rằng, trong năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng, cùng với việc tập trung sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, thực hiện phong trào thi đua “Tỉnh Cà Mau phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 8% trở lên” tạo đà tăng trưởng hai con số ở những năm tiếp theo và Chương trình “xóa nhà tạm, nhà dột nát”, nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước sẽ được tổ chức, nhiều công trình trọng điểm sẽ được tiến hành. Những sự kiện đó sẽ thôi thúc, tạo động lực, tinh thần, trách nhiệm cao để các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tăng tốc, bứt phá tạo nên những kỳ tích trong xây dựng quê hương, đất nước ta thời gian tới.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cà Mau Huỳnh Ngọc Sang phát biểu tại buổi họp mặtPhó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cà Mau đánh giá, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã mang lại kết quả tích cực. Cùng với sự cố gắng nỗ lực của đồng bào dân tộc Khmer, bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer được tập trung đầu tư phát triển ngày càng khởi sắc, nhiều hộ dân tộc Khmer vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, tập trung xây dựng NTM; những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân và Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau và bà Nguyễn Thu Tư trao học bổng cho các em học sinh Trường Dân tộc nội trú tỉnhDịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau tặng phần quà cho Hội ĐKSSYN tỉnh; tặng 20 suất học bổng cho các em học sinh Trường PTDT nội trú là con em đồng bào khmer có hoàn cảnh khó khăn.