Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV tỉnh Đồng Nai

Duy Chí - 09:30, 22/11/2024

Sáng nay, ngày 22/11/2024, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đồng Nai lần thứ IV-năm 2024 đã chính thức diễn ra long trọng tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai. Đại hội vinh dự được đón ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham dự và chỉ đạo Đại hội.

Đại hội vinh dự được đón ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham dự và chỉ đạo Đại hội (Trong ảnh: Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh ( bên phải) tặng hoa chúc mừng Đại hội
Đại hội vinh dự được đón ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham dự và chỉ đạo Đại hội (Trong ảnh: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh (bên phải) tặng hoa chúc mừng Đại hội

Tham dự Đại hội còn có đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc; Thường trực lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, Đại hội có sự góp mặt của 250 đại biểu đại diện cho gần 200 nghìn đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn toàn tỉnh.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội

Tại Đại hội, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội đã phát biểu khai mạc, nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đồng Nai lần thứ IV - năm 2024.

Theo đó, với chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội nhằm đánh giá, tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024; Tôn vinh, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc; thảo luận thống nhất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024-2029; Thông qua Quyết tâm thư của Đại hội.

Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội đã phát biểu khai mạc
Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội phát biểu khai mạc

Đồng Nai có trên 50 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số khoảng 3,2 triệu người, trong đó đồng bào DTTS có 198.784 người, chiếm 6,42% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các DTTS của tỉnh có truyền thống gắn bó, đoàn kết lâu đời, không có sự phân biệt giữa các  dân tộc; đồng bào sống rải rác, xen kẽ; tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ trên địa bàn các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom và thành phố Long Khánh. Mỗi dân tộc đều có văn hóa truyền thống riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội... tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh hỏi thăm, khen ngợi các em học sinh đội văn nghệ tham gia tiết mục chào mừng Đại hội
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh hỏi thăm, khen ngợi các em học sinh đội văn nghệ tham gia tiết mục chào mừng Đại hội

Trong 5 năm qua, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thông qua các dự án như: 3 Chương trình MTQG (Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025), chương trình khuyến nông, khuyến công… Nhờ vậy, đồng bào DTTS kịp thời được hỗ trợ phương tiện, phương thức để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Đến nay, đời sống kinh tế của đồng bào DTTS của tỉnh đã được cải thiện, mức sống từng bước được nâng lên, số hộ nghèo giảm, hộ khá, hộ giàu tăng; không còn ấp và xã khó khăn. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc được giữ vững.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm hỏi, trò chuyện với đại biểu dự Đại hội
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm hỏi, trò chuyện với đại biểu dự Đại hội

Bên cạnh đó, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc tiếp tục được nâng lên. Đến nay, 100% xã, ấp có hệ thống đài truyền thanh; 100% các hộ đồng bào DTTS đều có phương tiện nghe nhìn; phong trào văn hóa - văn nghệ trong Nhân dân phát triển thông qua các hội thi, hội diễn văn nghệ được tổ chức đã có tác động tốt trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh…

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thực hiện thường xuyên và mang lại kết quả thiết thực. Lễ, Tết truyền thống của đồng bào DTTS được tổ chức định kỳ, thường xuyên. Các cấp, các ngành của tỉnh cũng quan tâm đến thăm và chúc mừng đồng bào, qua đó đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công tác giáo dục - đào tạo cũng được chú trọng. Tỷ lệ con em đồng bào DTTS đến các cấp học ngày càng nhiều. Sinh viên người DTTS theo học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, các trường dạy nghề ngày càng tăng đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên cao.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT tham quan gian hàng sản phẩm trưng bày của đồng bào DTTS huyện Định Quán ở Đại hội
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tham quan gian hàng sản phẩm trưng bày của đồng bào DTTS huyện Định Quán tại Đại hội

Công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm trong vùng đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Các địa phương được quan tâm đầu tư và từng bước hoàn thiện, 170/170 xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế, trong đó có một số trạm y tế xã được nâng cấp thành phòng khám đa khoa, trung tâm y tế khu vực.

Tỉnh Đồng Nai xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Đến năm 2029, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm vùng đồng bào DTTS là 0,3% hộ nghèo DTTS/tổng số hộ DTTS (theo chuẩn nghèo của tỉnh), giảm khoảng cách chênh lệch về mức sống, mức thu nhập giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh; thu nhập bình quân người DTTS bằng 1/2 bình quân chung cả tỉnh. Trên 85% hộ DTTS sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 100% hộ gia đình đồng bào DTTS sử dụng điện lưới quốc gia; phấn đấu 100% hộ đồng bào DTTS có nhà ở ổn định.

Đại biểu tham dự Đại hội có nhiều thành phần DTTS
Đại biểu tham dự Đại hội có nhiều thành phần DTTS

Phấn đấu chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS, hằng năm thu hút 5 - 10% lao động sang làm việc các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

Đồng thời, phấn đấu có 90% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; 100% số xã, ấp vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân…

Trước đó, ngày 21/11, Đại hội đã diễn ra phiên trù bị, các đại biểu đã bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký Đại hội; thông qua Chương trình làm việc; nội quy, quy chế Đại hội; báo cáo tổng hợp tình hình đại biểu chính thức dự Đại hội; thảo luận báo cáo chính trị tại Đại hội, báo cáo tham luận của một số đơn vị và thống nhất các nội dung trong phiên chính thức của Đại hội...

Cũng trong khuôn khổ Chương trình Đại hội, các đại biểu cũng đã tham dự các sự kiện: Viếng nghĩa trang liệt sĩ, dâng hương và báo công tại Văn miếu Trấn Biên; Tham gia Chương trình biểu diễn Văn nghệ chào mừng Đại hội.


Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.