Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh thăm và làm việc tại Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương

PV - 10:15, 24/09/2021

Sáng ngày 24/9, tại Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đến thăm và làm việc tại Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc với Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc với Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương

Cùng dự có đồng chí Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; đồng chí Hồ Đại Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ; Lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT và Bộ GD&ĐT; Lãnh đạo Ban Dân tộc, Sở GD&ĐT tỉnh cùng tập thể Lãnh đạo Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương.

Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương được thành lập ngày 26/11/1975 theo Quyết định số 214-CP ngày 26/11/1975 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), đây là trường dự bị đại học dân tộc đầu tiên được thành lập trên cả nước để thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục dân tộc. Tháng 12/1999, Bộ GD&ĐT quyết định sáp nhập trường Bồi dưỡng Lý luận nghiệp vụ tại chức Sầm Sơn, Thanh Hoá vào làm cơ sở 2 của trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương. Tháng 7/2003, cơ sở 2 của Nhà trường được tách ra thành một trường độc lập lấy tên là trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn. 

Toàn cảnh buổi gặp mặt
Toàn cảnh buổi gặp mặt

Trải qua 46 khóa, với trên 22.023 học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) của hơn 28 thành phần dân tộc được bồi dưỡng đến từ hơn 23 tỉnh, thành khác nhau. Hiện nay Nhà trường có quy mô tuyển sinh hệ dự bị đại học dân tộc lớn nhất cả nước với 1.000 học sinh người DTTS được tuyển sinh mỗi năm để tiếp tục bồi dưỡng theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông trước khi phân bổ các em đi học tại các cơ sở giáo dục đại học.

Ngoài việc bồi dưỡng hệ dự bị đại học theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, giai đoạn 1994 - 2010, Nhà trường còn có kinh nghiệm trong đào tạo hệ trung học phổ thông (THPT) khi bảo trợ thành lập trường THPT Dân lập Âu Cơ. Bên cạnh đó, thể theo nhu cầu của các địa phương và nguyện vọng của các bậc phụ huynh, Nhà trường còn mở các lớp bồi dưỡng kiến thức THPT cho học sinh có nhu cầu ôn thi đại học trước kia và hiện tại là ôn thi tốt nghiệp THPT. Từ năm học 2018 - 2019 mở thêm lớp ôn thi tốt nghiệp THPT miễn phí bằng hình thức dạy học trực tuyến cho học sinh người DTTS của các tỉnh miền núi. Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành từ các lớp học này để bước tiếp vào các trường đại học danh tiếng, qua đó uy tín của Nhà trường ngày càng được nâng cao và khẳng định với con em đồng bào các DTTS.

Với những thành quả đạt được trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm nhiệm vụ được giao, từ 2015 đến nay, Nhà trường đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Liên tục được công nhận Tập thể lao động xuất sắc; Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT, tỉnh Phú Thọ, của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động Hạng nhất, Hạng nhì, Hạng ba; Huân Chương Độc Lập hạng ba (năm 2019), qua đó đã góp phần tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Hội nghị lần thứ bảy về công tác dân tộc, Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Giáo viên nhà trường phát biểu ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng
Giáo viên nhà trường phát biểu ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng

Căn cứ vào kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ vào nhu cầu cấp thiết của việc tạo nguồn nhân lực cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương có một số kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc như: Ưu tiên xây dựng, sửa chữa và đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học của Nhà trường; mở rộng quy mô, bổ sung diện tích đất sử dụng; tạo điều kiện để xây dựng trường trở thành trường Dự bị Đại học và Dân tộc nội trú trọng điểm nhằm tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi với 02 hệ: Hệ THPT chất lượng cao dành cho học sinh thuộc nhóm DTTS rất ít người, nhóm DTTS còn nhiều khó khăn; hệ bồi dưỡng dự bị đại học dân tộc theo định hướng nhóm ngành; thực hiện chế độ chính sách dành cho giáo viên, viên chức hành chính và học sinh...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương là ngôi trường có nhiều thành tích, có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục trong công tác đào tạo nguồn nhân lực người DTTS. Đồng thời, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Nhà trường trong điều kiện cơ sở vật chất, nguồn kinh phí còn nhiều khó khăn, đã có nhiều cố gắng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với con em đồng bào DTTS. Trước yêu cầu phải hoàn thành các chỉ tiêu tuyển sinh, kế hoạch đào tạo, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Kim Sơn đề nghị Nhà trường quan tâm, tạo điều kiện cho các em trong học tập và rèn luyện; tăng cường phát triển đội ngũ; đổi mới phương pháp dạy và học, đặc biệt trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, đề nghị Nhà trường có sự chuẩn bị, phương án sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã rất ấn tượng với các thành tích đạt được của Nhà trường qua các giai đoạn phát triển. Nhân dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm trân trọng cảm ơn các thầy cô giáo đã dành sự quan tâm đặc biệt, chăm sóc, tạo ra cơ hội tiếp cận nguồn tri thức, kỹ năng, vốn sống cho con em đồng bào các DTTS. Bộ trưởng, Chủ nhiệm ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các thầy cô giáo và Lãnh đạo Nhà trường. Phân tích, trao đổi thêm thông tin về tình hình cũng như mô hình các trường phổ thông dân tộc nội trú hiện nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Trước mắt, cần giải quyết những vẫn đề khó khăn như hạ tầng, sửa chữa cơ sở vật chất, sau đó, cần tính đến bài toàn quy hoạch hệ thống các thường phổ thông dân tộc nội trú để từng bước tháo gỡ những vướng mắc thời gian qua.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm khẳng định: Thời gian tới, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập này. UBDT và Bộ GD&ĐT sẽ có sự phối hợp chặt chẽ, triển khai khảo sát, nghiên cứu để có những đề xuất cụ thể với Chính phủ. Nhân dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị chính quyền các địa phương của tỉnh Phú Thọ quan tâm, tạo điều kiện để các em học sinh tiếp cận, tham gia các hoạt động văn hóa, du lịch của địa phương để các em có thêm kiến thức, kỹ năng và có cơ hội để phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã trao tặng Quỹ Khuyến học của Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương 50 triệu đồng, và 2.500 khẩu trang y tế. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao tặng 50 triệu đồng tới Nhà trường để hỗ trợ cho các em học sinh.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...