Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin về công tác nhân quyền

Thúy Hồng - 11:53, 08/12/2022

Sáng 8/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền trong tháng 12.

Ông Phạm Anh Tuấn - Cục Trưởng Cục Thông tin đối ngoại phát biểu khai mạc Hội nghị
Ông Phạm Anh Tuấn - Cục Trưởng Cục Thông tin đối ngoại phát biểu khai mạc Hội nghị

Theo Báo cáo tại Hội nghị, ngày 11/10/2022, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 77, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã bỏ phiếu bầu là thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025, trong đó có Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ trước từ năm 2014 - 2016).

Đại tá Nguyễn Thị Thanh Hương - Văn phòng Nhân quyền của Chính phủ cho biết: Việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ trong bối cảnh có nhiều cạnh tranh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cạnh tranh nước lớn phức tạp, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước.

“Việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội”, Đại tá Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết.

Các đại biểu nhấn nút khai trương nền tảng triển lãm số về chủ quyền biển, đảo Việt Nam phục vụ công tác thông tin đối ngoại, với tên gọi “Trường Sa Xanh"
Các đại biểu nhấn nút khai trương nền tảng triển lãm số về chủ quyền biển, đảo Việt Nam phục vụ công tác thông tin đối ngoại, với tên gọi “Trường Sa Xanh"

Theo đó, Việt Nam sẽ duy trì sự tham gia tích cực, chủ động tại các diễn đàn đa phương quốc tế về quyền con người. Tham gia các diễn đàn chính, lớn của LHQ về nhân quyền như: Phiên họp cấp cao và các Khóa họp thường kỳ trong năm 2022 của Hội đồng Nhân quyền LHQ (Geneva, Thụy Sỹ); đồng chủ trì thúc đẩy thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết về “Biến đổi khí hậu và quyền lương thực" với số nước đồng bảo trợ cao tại Khóa 50 Hội đồng Nhân quyền (tháng 7/2022); tham gia các cuộc họp của Ủy ban 3 Đại Hội đồng Khóa 74 (tháng 10 - 11/2022); qua đó duy trì sự hiện diện thường xuyên, tích cực và trách nhiệm tại các diễn đàn đa phương về quyền con người…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hải Lưu - Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) cho biết: Tham gia đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025: Hội đồng Nhân quyền sẽ tổ chức 3 khóa họp thường kỳ với tổng thời lượng là 10 tuần, vào khoảng tháng 3, 6 và 9/2023. Các Khóa họp của Hội đồng Nhân quyền sẽ xem xét và thông qua nhiều nội dung quan trọng, ngày càng gắn trực tiếp hơn với các trọng tâm của LHQ và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, như phát triển bền vững. Đồng thời, Hội đồng Nhân quyền xem xét, thảo luận về tình hình tại hầu hết các điểm nóng, các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang có nguy cơ xảy ra vi phạm quyền con người trên phạm vi toàn thế giới.

Tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ và các diễn đàn đa phương khác về quyền con người, bao gồm: Đề cao các nguyên tắc, tôn chỉ, mục đích của Hiến chương LHQ, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế của Hội đồng, đóng góp vào nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng; bảo vệ các nhóm dễ tổn thương và đấu tranh chống bạo lực và phân biệt đối xử với các nhóm này; thúc đẩy bình đẳng giới; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trong việc bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trong thời đại chuyển đổi số…

Nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người và công tác xây dựng, nộp và bảo vệ dùng hạn các Báo cáo quốc gia thực hiện các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên như các Công ước ICCPR, CAT, CERD, CRPD, CEDAW…

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Trước đó, tại Hội nghị, Bộ Thông tin Truyền thông đã khai trương nền tảng triển lãm số về chủ quyền biển, đảo Việt Nam phục vụ công tác thông tin đối ngoại, với tên gọi “Trường Sa Xanh".

Triển lãm trực tuyến “Trường Sa xanh" là một sản phẩm truyền thông đa phương tiện, tích hợp các nguồn tư liệu phong phú, sinh động về biển, đảo Việt Nam, với hơn 200 bức ảnh, 23 Video Clip, trên nền tảng Cổng Thông tin đối ngoại vietnam.vn, với tên miền: Truongsaxanh.vietnam.vn

Triển lãm gồm 8 chủ đề: Lịch sử quần đảo Trường Sa; Dấu mốc chủ quyền của Quần đảo Trường Sa; Trường Sa hiên ngang; Nụ cười lính biển; Trường Sa quân với dân; Trường Sa thật gần; Vươn mầm Trường Sa; Trường Sa Xanh.

Triển lãm sẽ được các địa phương tiếp tục bổ sung thông tin, làm dày thêm dữ liệu về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam trên không gian số.