Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bộ đội đến từng nhà hỗ trợ người dân vùng lũ

Quỳnh Trâm - CTV - 10:12, 26/07/2025

Trước thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra tại Nghệ An, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo lực lượng phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện, khẩn trương giúp Nhân dân khắc phục hậu quả.

Đại tá Trần Mạnh Quân, Phó Sư đoàn trưởng, Sư đoàn 324 cho biết: Ngay sau khi lũ rút, được lệnh của Quân khu, chúng tôi đã huy động lực lượng gần 200 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng tổ chức hành quân tiếp cận hiện trường. 

Đơn vị đã chia lực lượng thành nhiều tổ, nhóm vào từng con đường, đến từng nhà hỗ trợ người dân vệ sinh sau lũ. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Sư đoàn xác định, đây là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, do đó cán bộ, chiến sĩ đã xây dựng quyết tâm cao nhất, nhanh chóng giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt, ổn định cuộc sống”.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 tổ chức dọn dẹp đường giao thông khu phố 2, xã Con Cuông.(ảnh Quỳnh Trâm)
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 tổ chức dọn dẹp đường giao thông khu phố 2, xã Con Cuông. (Ảnh: Quỳnh Trâm)

Gia đình chị Nguyễn Thị Sáu thuộc diện đặc biệt khó khăn trong 36 hộ dân ở khu phố 2, xã Con Cuông bị ngập lụt. Chồng mất, con nhỏ, nước lũ lên nhanh khiến hai mẹ con chị chỉ kịp chạy thoát thân. Mấy ngày nước ngập, mẹ con chị Sáu phải tá túc ở nhà hàng xóm.

Chị Sáu ở khu phố 2, xã Con Cuông bày tỏ: "May quá, có bộ đội đến rồi! Nhà tôi chìm trong nước đã 4 ngày, khi nước rút, tôi quay về ngôi nhà của mình mà không thể vào được do bùn đất ứ đọng cao ngang đến cửa sổ. Chỉ có cán bộ và bộ đội mới giúp được chúng tôi thôi...". 

Trực thăng của Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện nhiệm vụ cứu trợ tại tỉnh Nghệ An.(ảnh CTV)
Trực thăng của Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện nhiệm vụ cứu trợ tại tỉnh Nghệ An. (Ảnh: CTV)

Thượng tá Đinh Xuân Lâm, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 764, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, là người trực tiếp chỉ huy bộ đội giúp dân dọn dẹp bùn đất tại khu phố 2 xã Con Cuông, cho biết: "Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đang tập trung giúp dân dọn dẹp nhà cửa, có hộ gia đình bùn đất ngập sâu tới hơn một mét, vì nước đã rút nên việc giải phóng bùn đất ra ngoài rất khó khăn, có gia đình buộc phải phá tường nhà mới đưa được bùn đất ra ngoài. Cả đơn vị đang chạy đua với thời gian để giúp dân khi bùn đất chưa đông cứng, chỉ một, hai ngày nữa bùn đất đông cứng lại thì việc giải phóng lượng bùn đất sẽ càng khó khăn gấp bội…".

Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn vẫn còn 2 địa phương bị chia cắt, tại khối 4 xã Con Cuông nước vẫn ngập sâu, đường bộ bị chia cắt, bộ đội và lực lượng chức năng địa phương phải bơi hoặc chèo thuyền vào để hỗ trợ, tiếp tế cho người dân. Tại bản Yên Hòa, xã Châu Khê với 137 hộ, hơn 600 khẩu cũng đang bị cô lập chia cắt do đường giao thông vào bản bị sạt lở, và bùn đất ngập sâu không thể lưu thông được…

Lực lượng vũ trang giúp các hộ dân giải phóng bùn đất ra khỏi nhà.(ảnh Phạm Tiến)
Lực lượng vũ trang giúp các hộ dân giải phóng bùn đất ra khỏi nhà. (Ảnh: Phạm Tiến)

Tại xã Châu Khê, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ dân quân đã 4 ngày nay dầm mình trong mưa lũ, bùn đất để cứu hộ người dân. Ông Kha Văn Tám, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Châu Khê cho biết: "Hiện còn 37 hộ dân với hơn 600 người ở bản Yên Hòa vẫn bị chia cắt. Do tuyến đường độc đạo dài 3km nối giữa trung tâm xã với bản Yên Hòa chưa thể cơ động được nên chúng tôi phải di chuyển bằng thuyền, vượt sông Lam để đưa nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con".

Bà Quang Thị Tươi, Trưởng bản Yên Hòa, xã Châu Khê cho biết: Bản Yên Hòa cách trung tâm xã Châu Khê 3km, là một trong những bản đang còn bị cô lập chia cắt, hiện không còn ngập lụt, điện sáng đã có nhưng nguồn nước sạch vẫn chưa bảo đảm, giao thông đi lại còn chia cắt. Vì vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để nhanh chóng ổn định đời sống người dân…

Theo thống kê đến chiều ngày 25/7, sau hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 120 nhà sập, gần 1.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái, khoảng 1.900 ngôi nhà bị ngập lụt. Tuyến quốc lộ 7A có 16 điểm ngập lụt, các tuyến đường qua địa bàn các xã Con Cuông, Tương Dương, Mường Xén đang bị chia cắt. 

Đến 15 giờ chiều 25/7, nước trên sông Lam đang xuống chậm, tỉnh Nghệ An vẫn còn 8 xã bị cô lập gồm: Mường Típ, Mường Ải, Hữu Kiệm, Mỹ Lý, Bắc Lý (Kỳ Sơn cũ); Lượng Minh, Tương Dương, Nhôn Mai (huyện Tương Dương cũ).

Tin cùng chuyên mục
Gặp lại ở Phìn Sư

Gặp lại ở Phìn Sư

Tôi lên Phìn Sư, thăm lại gia đình Min Seo Thế, dân tộc Cơ Lao, vào một buổi sớm mùa hè. Mùa này, nước trời ào ạt đổ về từ các khe núi, chảy rậm rịch suốt ngày đêm vào các ô ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì (cũ) nay là thôn Phìn Sư, xã Tân Tiến. Phía xa xa, Seo Thế phăm phăm sải bước, hai tay nắm chặt đốc cày, khéo léo điều khiển con trâu phía trước theo đường cong như mảnh trăng lưỡi liềm của thửa ruộng. Một mình Thế, một con trâu, một thửa ruộng mà thấy cả mùa vàng đã bắt đầu nảy nở dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh.