Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Thuận vươn mình trên miền đất khô hạn

Khánh Thư - 3 giờ trước

Tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 85% xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 1,16%, thu nhập bình quân đầu người gần 60 triệu đồng/người/năm. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, vùng đồng bào DTTS Bình Thuận đã có bước tiến mạnh mẽ, vươn mình trên miền đất khô hạn, đầy nắng và gió.

Hòa chung sự phát triển của tỉnh, đời sống của Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Thuận cũng có những bước phát triển vượt bậc. (Trong ảnh: Trung tâm huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận)
Hòa chung sự phát triển của tỉnh, đời sống của Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Thuận cũng có những bước phát triển vượt bậc. (Trong ảnh: Trung tâm huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận)

Đổi thay nơi “gặt gió”, “đón nắng”

Nằm ở cực Nam Trung bộ, Bình Thuận được xem là một trong những khu vực nắng nóng và khô hạn bậc nhất nước ta. Người dân nơi đây đã quá quen với cảnh thiếu mưa, thừa nắng. Nhưng cũng chính điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đó đã trui rèn cho người dân Bình Thuận, trong đó có hơn 10 vạn đồng bào DTTS, một bản lĩnh kiên cường.

Trong những ngày này của 50 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy khu VI và Tỉnh ủy Bình Thuận, quân và dân Bình Thuận cùng với bộ đội chủ lực đã đồng loạt tiến công trên các mặt trận. Chiến thắng 19/4/1975 giải phóng thị xã Phan Thiết đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu mốc chói lọi, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bình Thuận có 34 DTTS, với hơn 104 nghìn nhân khẩu, sống quây quần với đồng bào Kinh ở 10 huyện, thị, trong đó đông nhất là ở các huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Hàm Tân, Tuy Phong.

Tại Lễ kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh được tổ chức trọng thể tối ngày 19/4, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đã xúc động ôn lại những trang sử hào hùng của quân và dân Bình Thuận. Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của dân tộc, Bình Thuận có gần 10.000 liệt sĩ, 4.000 thương binh, 2.131 bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; có hơn 80 tập thể, cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

“Đặc biệt, ngày 20/12/1979, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho quân và dân tỉnh Bình Thuận”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh.

Phát huy truyền thống cách mạng, sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương, với quyết tâm, trí tuệ và sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, đảng viên, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, Bình Thuận đã từng bước khắc phục khó khăn, tìm chọn được hướng đi phù hợp.

Là vùng đất “gặt gió”, “đón nắng”, Bình Thuận chú trọng “trị hạn”. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn được kết nối đã thực sự mang lại màu xanh cho miền đất khô hạn Bình Thuận.

Bình Thuận có lợi thế phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các DTTS.
Bình Thuận có lợi thế phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các DTTS.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng, tổng năng lực tưới thiết kế 76.680 ha, bao gồm 49 hệ thống hồ chứa nước, 89 đập dâng, 21 hệ thống trạm bơm, 188 cống đầu mối; trên 5.000 công trình trên kênh các loại; tổng chiều dài hệ thống kênh mương các cấp là hơn 4.069 km.

Đây có thể xem là một kỳ tích ở miền đất đầy nắng và gió này. Bởi, số liệu của Sở NN&MT tỉnh Bình Thuận cho thấy, sau ngày giải phóng, trên địa bàn tỉnh chỉ có 28 công trình thủy lợi nhỏ, với năng lực thiết kế tưới 1.200 ha, không có công trình hồ chứa mà hầu hết là các đập dâng được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc.

Tự hào về những thành tựu có được, trong đó có ngành thủy lợi, trong diễn văn kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Thuận vào tối 19/4/2025, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đã khẳng định: “Bình Thuận, một trong những vùng đất khô hạn nhất cả nước. Từ ngày giải phóng đến nay, đã vươn mình hồi sinh mạnh mẽ với kỳ tích về công tác thủy lợi”.

Công cuộc “trị hạn” đã mở lối cho ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và đã có mặt ở khắp các thị trường khó tính trên toàn cầu. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Trung ương và nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự dồng lòng của Nhân dân, kinh tế - xã hội Bình Thuận đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từng bước từ tăng trưởng chiều rộng sang tăng trưởng có chất lượng theo chiều sâu.

Đặc biệt, bộ mặt đô thị, nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có nhiều khởi sắc; tỷ lệ đô thị hóa đạt 41,86%; 79/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 84,95%; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,16%. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, nhất là công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao…

Biến khó khăn thành cơ hội

Đi lên từ gian khó, Bình Thuận đã tận dụng các tiềm năng, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để vươn lên mạnh mẽ và đạt được những thành tựu quan trọng trên các hầu hết các lĩnh vực. Những năm gần đây, những yếu tố được xem là bất lợi đã được khai thác, biến thành lợi thế để Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội.

Nổi bật nhất ở miền đất “gặt gió”, “đón nắng” này là tiềm năng phát triển năng lượng sạch do có số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn các tỉnh khác. Tốc độ gió và bức xạ mặt trời cao giúp Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng gió và mặt trời.

Những năm gần đây, những yếu tố được xem là bất lợi đã được khai thác, biến thành lợi thế để Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm gần đây, những yếu tố được xem là bất lợi đã được khai thác, biến thành lợi thế để Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Trần Đình Thiên nhận định rằng, hiện nay, mô thức tư duy kinh tế mới đã thay đổi thì những “nắng, gió, cát trắng” từ bất lợi đã bất ngờ “đảo chiều”, chuyển thành lợi thế cho phát triển kinh tế. Bình Thuận là một ví dụ điển hình cho nhận định của vị chuyên gia này.

Điều này cũng đã được chứng minh ở sự phát triển vượt bậc của tỉnh Bình Thuận, được ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ trong diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Thuận tổ chức tối ngày 19/4/2025. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển, thu ngân sách thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, tỉnh đã nỗ lực vươn lên, phát triển khá toàn diện.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm luôn đạt ở mức khá; đến cuối năm 2024, quy mô nền kinh tế tỉnh Bình Thuận gấp hơn 33 lần so với thời điểm tái lập tỉnh (năm 1992), đạt hơn 128,7 ngàn tỷ đồng, xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 101,7 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 58,9 triệu đồng, gấp 43,6% so năm 1992...

Hòa chung sự phát triển của tỉnh, đời sống của Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Thuận cũng có những bước phát triển vượt bậc. Theo số liệu của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bình Thuận, hết năm 2024, toàn tỉnh có 7/17 xã thuần vùng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh cuối năm 2024 đạt 46,8 triệu đồng người/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2020. Tại 17 xã thuần đồng bào DTTS, thu nhập bình quân đạt 43,6 triệu đồng người/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS năm 2024 giảm xuống còn 7,73%...

Bộ mặt đô thị, nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có nhiều khởi sắc. (Trong ảnh: Một góc xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận - Ảnh tư liệu).
Bộ mặt đô thị, nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có nhiều khởi sắc. (Trong ảnh: Một góc xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận - Ảnh tư liệu).

"Trong bối cảnh phát triển mới, nhất là khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bình Thuận có nhiều triển vọng ở các lĩnh vực như khai thác, chế biến thủy hải sản; phát triển công nghiệp điện, hướng đến trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia; dịch vụ cảng biển gắn với đô thị, khu công nghiệp và logistics; phát triển đô thị ven biển và du lịch biển tầm khu vực, quốc tế…", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh cũng đã khẳng định tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Thuận. 

Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: “Nhìn về tương lai phía trước, trong điều kiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, chúng ta sẽ có thêm những anh em để cùng đoàn kết, đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn thách thức, phát huy tiềm năng, lợi thế trong một không gian rộng lớn hơn để phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì sự ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, vì sự lớn mạnh của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục
Thay đổi “nếp nghĩ cách làm” nhờ Chương trình MTQG 1719

Thay đổi “nếp nghĩ cách làm” nhờ Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã đi vào chặng đường cuối của giai đoạn 1. Cùng với những thay đổi to lớn về kết cấu hạ tầng, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều bước chuyển đáng mừng. Đặc biệt, với trợ lực từ Chương trình MTQG 1719, đã có nhiều thay đổi trong “nếp nghĩ cách làm” của đại bộ phận đồng bào DTTS và miền núi.