Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Phước: Vườn điều suy kiệt do sâu đục thân hoành hành

PV - 15:02, 02/10/2018

Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ điều Việt Nam. Điều cũng là cây xóa đói, giảm nghèo đối với nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua. Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, trước sự biến đổi thất thường của khí hậu, năng suất điều ngày một giảm. Năm nay lại xuất hiện tình trạng cây điều bị sâu đục thân tấn công dẫn đến giảm năng suất, cây chết dần. Đây thực sự là điều khiến bà con nông dân đang rất lo lắng.

Tại thôn 3, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, hộ gia đình nhà ông Nông Văn Máy có gần 1ha điều, ngoài bị bệnh thán thư, bọ xít muỗi, cháy lá khô cành năm vừa qua, nay lại bị sâu đục thân tấn công khiến vườn điều bị hư hại nặng nề. Đau xót nhìn vườn điều xơ xác, ông Máy nói: “Hai năm nay, vườn điều nhà tôi cho rất ít trái vì sâu bệnh. Lúc được mùa thì cũng được từ 600 đến 700kg. Thế nhưng hai năm gần đây, thu hoạch chưa đến 200kg hạt tươi. Không những ảnh hưởng nặng từ thời tiết mà nay sâu đục thân ăn vào trong thân cây khiến cây chết dần, đành phải cưa thôi, không còn cách nào khác”.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Văn, Lê Đào Thanh Hải thăm và tìm hiểu tình trạng sâu đục thân tại vườn điều ông Điểu Lơn. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Văn, Lê Đào Thanh Hải thăm và tìm hiểu tình trạng sâu đục thân tại vườn điều ông Điểu Lơn.

Cạnh đó 500m là vườn điều gia đình ông Triệu Văn Lâm (dân tộc Tày) với gần 2ha điều trên 15 năm tuổi cũng không kém phần bi đát. Ngoài một ít ruộng trồng lúa đủ ăn, thì vườn điều là nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống gia đình hằng ngày. Theo ông Lâm, hai mùa vụ vừa qua bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu, xuất hiện dịch bệnh trên cây điều dẫn đến năng suất giảm mạnh. Nếu như trước đây, mỗi ha điều có thể thu được gần 1 tấn hạt, thì nay chỉ còn vài trăm kg/ha. Dịch bệnh cũ chữa chưa xong, nay lại xuất hiện thêm sâu đục thân khiến gia đình ông xoay xở đủ đường để trị bệnh. Dù ông đã dùng đủ mọi cách nhưng vẫn không ăn thua. Hiện nay, sâu đục thân đã tấn công vườn điều gia đình ông chiếm khoảng 30% tổng số lượng cây và đang tiếp tục lan rộng.

Còn tại xã Phú Văn thuộc huyện biên giới Bù Gia Mập, nơi có số đồng bào DTTS sinh sống chiếm trên 33%. Người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây điều làm nguồn thu nhập chính. Theo thống kê của UBND xã Phú Văn, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 400 hộ gia đình có nhu cầu tái canh cây điều với diện tích gần 500ha. Đây là những vườn điều bị sâu hại, bệnh và già cỗi. Hiện rất nhiều cây điều bị sâu đục thân tấn công rải rác, khiến cây khô dần và chết đứng. Trước tình trạng cây điều sâu đục thân tấn công, hầu hết bà con nông dân xử lý bằng cách dùng dao đục thân cây để tiêm thuốc vào. Nếu phát hiện muộn, bị nặng sẽ phải chặt bỏ, vì hiện nay bà con vẫn chưa có cách trị dứt điểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đào Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Văn cho biết: “Niên vụ 2016-2017 và niên vụ 2017-2018 cây điều trên địa bàn xã chịu ảnh hưởng nặng của sự biến đổi của khí hậu. Vì vậy, nhiều hộ dân trồng điều bị mất mùa nặng, nhất là đối với các hộ nghèo, đồng bào DTTS. Bên cạnh bị ảnh hưởng bởi khí hậu, tập quán canh tác phó mặc cho trời, rất hạn chế trong việc bón phân, rồi xịt thuốc trừ sâu của đồng bào X'tiêng cũng làm ảnh hưởng đến năng suất của cây điều. Ngoài ra, các vườn điều ở đây đều là giống điều cũ với tuổi đời đã hơn 20 năm, nên đã thoái hóa, dễ sâu bệnh dẫn đến năng suất rất thấp. Hiện nay, nhu cầu tái canh vườn điều của người dân là không nhỏ, nhưng điều kiện của người dân lại không có”.

Trước thực trạng sâu bệnh hoành hành, các hộ dân nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS trồng điều rất mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ nguồn giống đảm bảo chất lượng, năng suất cao để bà con kịp thời xuống giống và xen canh cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài.

VĂN ĐOÀN